Ngôi chợ tiền tỷ bị bỏ hoang

(ANTĐ) - Nằm ngay Quốc lộ 70, chợ vật liệu xây dựng (VLXD) thuộc địa phận thôn Ngọc Trục, xã Đại Mỗ, huyện Từ Liêm, Hà Nội được xây dựng với số vốn trên 4 tỷ đồng. Nhưng sau chiếc cổng đề tên chợ vật liệu xây dựng chỉ là khu đất bỏ hoang, xung quanh là cỏ mọc xanh rì, ngổn ngang rác thải và tre nứa mục nát…

Ngôi chợ tiền tỷ bị bỏ hoang

(ANTĐ) - Nằm ngay Quốc lộ 70, chợ vật liệu xây dựng (VLXD) thuộc địa phận thôn Ngọc Trục, xã Đại Mỗ, huyện Từ Liêm, Hà Nội được xây dựng với số vốn trên 4 tỷ đồng. Nhưng sau chiếc cổng đề tên chợ vật liệu xây dựng chỉ là khu đất bỏ hoang, xung quanh là cỏ mọc xanh rì, ngổn ngang rác thải và tre nứa mục nát…

Chợ thành nơi chứa rác!

Kinh doanh VLXD tràn lan tại trục đường 70
Kinh doanh VLXD tràn lan tại trục đường 70

Đã gần 4 năm nay, chợ VLXD Đại Mỗ trở thành nơi tập kết rác thải của các hộ kinh doanh buôn bán dọc hai bên đường, thậm chí rác sinh hoạt của người dân sống xung quanh khu vực cũng được đem vào khu vực chợ. Phải khá vất vả, chúng tôi mới tìm được đường vào cổng chợ vì tuyến đường 70 ngập trong bụi trắng xóa.

 Hai bên đường hàng chục hộ kinh doanh gỗ, tre, nứa lấn chiếm gần hết vỉa hè, tràn ra lòng đường. Không thể ngờ rằng ngôi chợ tiền tỉ chưa được đưa vào sử dụng ngày nào giờ gần như bị bỏ hoang, tường rào bao quanh trống hoác, mất hết chấn song sắt, trơ trọi những trụ gạch. Nền bê tông đã bị bong tróc nham nhở.

Chỉ cần dừng chân ngoài cổng là có thể nhìn thấy những đống rác cao quá đầu người, bốc mùi khó chịu. Ông Cao Văn Thịnh, chủ cửa hàng kinh doanh đồ gỗ cũ trong chợ cho biết: “Vào những năm 1990, nhận thấy VLXD là thị trường hút khách, các hộ kinh doanh trong xã Đại Mỗ tràn ra Quốc lộ 70 san ruộng, lấp mương, lập lán làm nơi buôn bán. Lúc đầu chỉ có thưa thớt một hai người nhưng đến nay số hộ kinh doanh đã đến hơn 100 hộ gây ách tắc giao thông, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng”.

... Và thành nơi chứa rác
... Và thành nơi chứa rác

 Tuy nhiên, ông Thịnh cũng phân trần: “Cực chẳng đã nên chúng tôi mới phải kinh doanh buôn bán như thế này, nếu không bán ở đây chúng tôi cũng chẳng biết phải kinh doanh ở đâu?”.

Được biết, do nổi tiếng với nghề mây tre đan nên từ cuối những năm 1990, người dân ở thôn Ngọc Trục đã phát triển sang buôn bán phên nứa, cọc tre, xà gồ,… tràn ra mặt đường.

Vì vậy, chợ VLXD được xây dựng để phục vụ nhiều hộ kinh doanh bán hàng dọc tuyến đường 70, nhưng theo nhiều hộ kinh doanh ở đây cho biết: “Mỗi hộ được 70m2 nhưng chiều dài của sạp chỉ có 10m trong khi cây tre dài 12-14m nên không thể đưa tre, cột xà vào sạp. Không những thế, chợ chỉ có một cổng, lối đi trong chợ quá hẹp dẫn đến việc vận chuyển gặp nhiều khó khăn, ôtô không thể vào chợ…

Cần mở rộng quy mô chợ

Được biết, ngày 17-10-2002, UBND huyện Từ Liêm đã có Quyết định số 1571/QĐ-UB phê duyệt dự án xây dựng chợ VLXD Đại Mỗ với diện  tích 9.715m2, tổng mức đầu tư 4,5 tỷ đồng. Chợ được xây dựng bán kiên cố, nền bê tông, không xây nhà chợ. Sau khi hoàn thành, chợ được bàn giao cho UBND xã Đại Mỗ quản lý.

 Để đưa chợ vào hoạt động có hiệu quả, ngày 16-3-2007, Sở Thương mại đã có công văn gửi UBND TP Hà Nội đề nghị: “UBND huyện Từ Liêm (đơn vị chủ đầu tư) bố trí 145 hộ kinh doanh hai bên đường giao thông 70 vào chợ với diện tích thích hợp để trưng bày, giới thiệu sản phẩm VLXD, giao dịch với khách hàng. Đối với hàng hóa VLXD, UBND huyện chỉ đạo UBND xã Đại Mỗ xem xét các điểm đất kẹt của xã tổ chức làm kho chứa hàng. Đồng thời UBND huyện Từ Liêm chỉ đạo quyết liệt các lực lượng chức năng giải tỏa các hộ kinh doanh VLXD hai bên đường 70”.

Sở Thương mại cũng đề nghị thành phố cho phép không thu tiền thuê địa điểm kinh doanh trong thời gian 6 tháng để các hộ kinh doanh VLXD vào ổn định kinh doanh. Về lâu dài, UBND huyện Từ Liêm cũng cần có phương án kêu gọi doanh nghiệp vào đầu tư kinh doanh quản lý chợ.

Ngay sau khi nhận bàn giao quản lý chợ, ngày 25-4-2007, UBND xã Đại Mỗ đã tổ chức sắp xếp đưa chợ VLXD Đại Mỗ vào hoạt động. Sau nhiều lần tổ chức công khai họp và xét duyệt các hộ kinh doanh VLXD có nhu cầu vào chợ, xã đã xét được 61 hộ nhận địa điểm kinh doanh tại chợ. Song từ đó đến nay, chợ VLXD Đại Mỗ vẫn chưa đi vào hoạt động được do các hộ kinh doanh kiến nghị:

Diện tích kinh doanh quá hẹp không đáp ứng được nhu cầu vừa sản xuất, vừa kinh doanh thực tế do hàng VLXD như tre, nứa, vầu, gỗ... chiếm mất nhiều diện tích; Mức thu phí và thuê địa điểm kinh doanh tại chợ cao; Chợ không có 2 cổng để xe ra, vào khu xuất nhập hàng.

 Trước tình hình đó, UBND xã Đại Mỗ đã có kiến nghị UBND TP Hà Nội, UBND huyện Từ Liêm: “Các hộ đang kinh doanh tại trục đường 70 đề nghị cho phép mở rộng chợ VLXD. Sau khi chợ được mở rộng xã sẽ đưa số hộ này vào chợ. Việc tổ chức kho chứa hàng rất khó khăn do diện tích đất kẹt còn rất ít, đường giao thông không thuận lợi”...

Việc xây dựng chợ VLXD tại xã Đại Mỗ là chủ trương đúng nhằm đảm bảo an toàn giao thông tại tuyến đường 70 và giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường tại khu vực. Để chợ sớm đi vào hoạt động, tránh lãng phí, đề nghị UBND TP Hà Nội, UBND huyện Từ Liêm nhanh chóng đầu tư mở rộng chợ để phù hợp với nhu cầu sản xuất kinh doanh VLXD của người dân.

Linh Hân