“Ngỏ cửa” cho bạo lực

ANTĐ - Cho dù chỉ là “hữu danh” suốt thời gian qua song việc Trưởng phái đoàn giám sát Syria của LHQ    (UNSMIS) chính thức rời quốc gia đang đỏ lửa giao tranh này không khỏi làm dấy thêm lo lắng về tình trạng bạo lực vốn đã vượt tầm kiểm soát. 

Hình ảnh mà phe đối lập đưa ra để tố cáo quân chính phủ thảm sát tại thị trấn Daraya

Trưởng phái đoàn UNSMIS, Tướng Babacar Gaye đã rời khỏi Syria từ ngày 25-8, chấm dứt sự hiện diện 4 tháng qua của các giám sát viên quốc tế tại đất nước đang chìm đắm trong xung đột đẫm máu này. Trước đó, hầu hết các nhân viên UNSMIS đã rời khỏi Syria sau khi nhiệm vụ của phái đoàn hết thời hạn vào ngày 19-8 vừa qua.

Trong nỗ lực kiềm chế và ngăn cách các bên xung đột tại Syria, LHQ đã quyết định thành lập phái đoàn UNSMIS trong thời gian 4 tháng, đi vào hoạt động từ trung tuần tháng 4-2012, do Tướng Gaye đứng đầu. Tuy nhiên, sự hiện diện của các thành viên UNSMIS hầu như chẳng mấy tác dụng, xung đột không chỉ tiếp tục nổ ra mà còn leo thang ngày càng nghiêm trọng tại quốc gia Trung Đông này.

Quá thất vọng trước sứ mệnh của UNSMIS, tuần trước, LHQ đã quyết định không gia hạn hoạt động của phái đoàn chỉ “hữu danh” này. Tuy nhiên, để duy trì sợi dây níu kéo các giải pháp hòa bình, LHQ đã nhất trí thành lập Văn phòng liên lạc chính trị mới tại thủ đô Damascus của Syria để theo dõi tình hình với hy vọng xuất hiện giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng kéo dài 18 tháng qua. 

Các nhân viên UNSMIS rời khỏi Syria

Việc Tướng Gaye rời bỏ Syria và UNSMIS chấm dứt sứ mệnh chỉ mang tính chất biểu tượng hơn là thực chất song điều này lại là minh chứng cho thất bại trong nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm giải quyết hòa bình cuộc xung đột tại Syria. Cũng vì thất bại trong nỗ lực làm trung gian hòa giải giữa các bên tham chiến ở Syria mà Đặc phái viên chung của LHQ và Liên đoàn Arab (AL) phụ trách vấn đề Syria, cựu Tổng thư ký LHQ Kofi Annan đã đi tới quyết định từ chức sau 4 tháng gánh vác sứ mệnh hòa giải. 

Không ít giải pháp chính trị đã được đưa ra trong suốt gần 18 tháng xung đột đẫm máu tại Syria song chẳng thể thực thi bởi lập trường đối chọi nhau giữa chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad và lực lượng chống đối. Trong khi lực lượng đối lập Syria khăng khăng đòi Tổng thống al-Assad phải từ chức một cách “vô điều kiện” và mọi giải pháp đều phải gắn với điều kiện tiên quyết này thì chính quyền Syria lại nhất quyết bác bỏ.

Chưa tìm được giải pháp trên bàn đàm phán, quân chống đối và chính quyền Tổng thống al-Assad mang súng đạn ra để giải quyết cuộc khủng hoảng. Giải pháp bạo lực đã khiến hơn 18.000 người thiệt mạng - theo số liệu của LHQ, trong đó có cáo buộc mới nhất ngày 25-8 của phe đối lập rằng quân đội chính phủ Syria tiến hành một cuộc thảm sát, “hành quyết” tập thể hơn 200 người ở thị trấn Daraya, tây bắc Damascus.

Trong cuộc xung đột hiện nay, phe đối lập đang tỏ rõ sự thất thế khi các thông tin gần đây cho thấy, quân chính phủ Syria không chỉ chiếm lại thị trấn Daraya ngày 24-8 mà còn đang đánh bật các tay súng chống đối khỏi thành phố Aleppo. Quân chính phủ Syria với vũ khí trang bị vượt trội đang tỏ ra thắng thế song cáo buộc ở Daraya cũng lại càng khiến dư luận lo ngại về con số thương vong một khi bạo lực được tiếp tục để “ngỏ cửa” như hiện nay.