Nghiêm khắc xử lý các hành vi quá khích của cổ động viên

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Nhìn lại việc các nước có nền bóng đá lớn nỗ lực phòng ngừa bạo loạn sân cỏ, cùng hậu quả của nhiều thảm kịch xảy ra trong quá khứ, có thể thấy, thế giới luôn được nhắc nhở về một “lằn ranh chết chóc” cho công tác tổ chức những sự kiện đông người, nhất là bóng đá.

Điểm lại những thảm kịch trên sân cỏ thế giới

Pháo sáng, hơi cay… là những thứ bị Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) cấm trong không gian sự kiện bóng đá, nhưng khi người ta sử dụng nó một cách tùy tiện thì thảm kịch xảy ra là khó tránh khỏi.

Vụ bạo loạn tại sân vận động Kanjuruhan ở thành phố Malang, tỉnh Đông Java của Indonesia

Vụ bạo loạn tại sân vận động Kanjuruhan ở thành phố Malang, tỉnh Đông Java của Indonesia

Một trong những thảm kịch kinh hoàng nhất từng xảy ra trên sân cỏ, mà thế giới vừa mới trải qua là vụ bạo loạn tại sân vận động Kanjuruhan ở thành phố Malang, tỉnh Đông Java của Indonesia tối 1-10-2022, khiến hơn 130 người thiệt mạng và hơn 320 người bị thương.

Vụ việc xảy ra sau khi trận thi đấu giữa hai đội Arema FC và Persebaya Surabaya kết thúc với tỷ số 2-3, do thất vọng vì đội nhà thua cuộc, các cổ động viên của đội Arema FC đã lao vào sân, buộc Cảnh sát phải dùng hơi cay để kiểm soát tình hình, dẫn đến việc đám đông giẫm đạp lên nhau và nhiều người bị ngạt thở.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo, Chủ tịch Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) Gianni Infantino đã gọi đây là thảm kịch, cú sốc đối với bóng đá thế giới, ghi dấu một ngày đen tối của thể thao.

Theo điều tra, sân bóng tổ chức trận đấu đã bán đến 42.000 vé so với sức chứa 38.000 người. Đây là cuộc đối đầu giữa 2 đội bóng có yếu tố “thù địch”. Sự manh động, quá khích của CĐV bộc phát trên khán đài, sự chủ quan của nhà tổ chức cùng với lực lượng an ninh phản ứng không tỉnh táo dẫn đến việc mất kiểm soát và thảm kịch xảy ra.

Sau sự việc, Indonesia quyết định phá dỡ sân vận động nơi xảy ra bạo loạn và cải tạo để Kanjuruhan thành một sân đá bóng theo tiêu chuẩn của FIFA. Tổng thống Indonesia nêu rõ “sẽ thay đổi triệt để” nền bóng đá của nước này dựa trên các tiêu chuẩn của FIFA.

Tuy nhiên, thảm kịch lớn nhất trong lịch sử thể thao Indonesia cũng là vụ bạo loạn thương tâm thứ 2 trong lịch sử bóng đá thế giới, đứng sau bi kịch đẫm máu tại Sân vận động quốc gia Peru vào ngày 24-5-1964.

Hôm đó, trận đấu giữa Peru và Argentina tại vòng loại Olympic. Sau khi trọng tài Eduardo Pazos từ chối bàn gỡ hòa ở phút cuối cùng của Peru, một CĐV chủ nhà đã xuống sân để tấn công trọng tài.

Hơn 130 người thiệt mạng trong sự cố trên sân vận động Kanjuruhan là thảm kịch tồi tệ nhất trong lịch sử bóng đá Indonesia

Hơn 130 người thiệt mạng trong sự cố trên sân vận động Kanjuruhan là thảm kịch tồi tệ nhất trong lịch sử bóng đá Indonesia

Cũng giống thảm họa trên sân Kanjuruhan, cảnh sát Peru đã sử dụng hơi cay để lập lại trật tự, khiến hàng chục nghìn người chen nhau bỏ chạy khỏi sân vận động. Khi người hâm mộ di chuyển đến cửa sân, những cánh cổng thép dẫn đến lối đi đã bị khóa chặt.

Kết quả, hàng nghìn người chen lấn, giẫm đạp lên nhau. 328 người đã chết vì ngạt thở hoặc bị thương quá nặng.

Trong số những vụ bạo loạn thảm khốc nhất của bóng đá thế giới còn có vụ bạo loạn ở sân vận động Thể thao Accra (Ghana) khiến 126 người chết năm 2001; năm 2012, bạo loạn ở sân Port Said (Ai Cập) khiến 70 người chết.

Tháng 3-2022, bạo loạn khủng khiếp ở bóng đá Morocco khiến hơn 100 Cảnh sát bị thương. Liên quan đến vụ việc này, khoảng 160 đối tượng, một số mang theo dao và đá, đã bị bắt vì bị cáo buộc tham gia vào các hành vi bạo lực, sở hữu dao, say rượu, ném đá, gây hư hỏng và phóng hỏa đốt xe.

“Cuộc chiến” chống pháo sáng

Phong trào đốt pháo sáng đỏ, được sử dụng như một tín hiệu cấp cứu trên biển, du nhập từ lục địa châu Âu. Từ đó, nó đã trở thành một phần văn hóa của người hâm mộ bóng đá ở các quốc gia châu lục này. Nhưng nhiều năm nay, bóng đá Anh thường xuyên đối mặt với “cuộc chiến” chống sử dụng pháo sáng và bom khói trái phép.

Một video năm 2017 của Cảnh sát Leicestershire cho thấy lý do tại sao. Trong video, một camera chụp ảnh nhiệt quét ngọn lửa thu được từ quả pháo sáng trong trận đấu của Leicester tại Champions League cho thấy nhiệt độ ở lõi của nó là 555°C. Các nhân viên cứu hỏa cho biết, họ sẽ chỉ tiếp xúc với ngọn lửa ở mức nhiệt như vậy khi có trang bị bảo hộ đầy đủ, đặc biệt là vì ngọn lửa cháy quá thấp và tia lửa có thể phóng ra mọi hướng.

Thậm chí, pháo sáng có thể cháy ở nhiệt độ lên tới 1.600 độ C - nhiệt độ nóng chảy của thép. Trong khi, bom khói có thể gây nguy hiểm cho những người mắc bệnh hen suyễn hoặc khó thở và có nguy cơ gây hoảng loạn trong một đám đông chật cứng.

Các thiết bị này có thể dễ dàng được cất giấu khi vào sân vận động, khiến việc ngăn chặn trở nên khó khăn. Khó khăn nữa trong “cuộc chiến” này là bom khói được bán với giá chỉ 3 bảng trên Internet.

Các cơ quan quản lý bóng đá đã kiến nghị Bộ trưởng Cảnh sát Tom Pursglove xem xét lại các quy định hạn chế bán pháo sáng. Giới truyền thông cũng được khuyến khích tránh bình thường hóa những hành vi phạm tội, bởi các video đăng tải tràn lan trên mạng xã hội như TikTok và Twitter được cho là sẽ làm nổi bật vấn đề.

Cảnh sát Anh xử lý kịp thời một vụ cổ động viên quá khích ném pháo sáng trên sân Etihad

Cảnh sát Anh xử lý kịp thời một vụ cổ động viên quá khích ném pháo sáng trên sân Etihad

Vào đêm trước của mùa giải 2022-2023, Liên đoàn bóng đá, Ban tổ chức Giải Ngoại hạng Anh và Giải Vô địch bóng đá Anh đã cùng nhau đưa ra các biện pháp mới và các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ hơn để xử lý các hành vi chống đối xã hội và tội phạm sân cỏ đang gia tăng.

Trong số những thay đổi đó có sự tập trung cao độ vào những người “mang theo hoặc sử dụng bom khói hoặc pháo sáng” tại các trận đấu bóng đá. Bất kỳ người hâm mộ nào nếu được xác định vi phạm quy định tự động sẽ phải đối mặt với lệnh cấm của câu lạc bộ. “Những lệnh cấm này cũng có thể được mở rộng đối với cha mẹ hoặc người giám hộ đi cùng của trẻ em tham gia vào các hoạt động này”, tuyên bố chung của các cơ quan quản lý bóng đá cho biết.

Trong khi đó, người hâm mộ vào sân vận động với ý định mang theo bom khói, pháo sáng hoặc pháo hoa, kể cả khi đang trên đường đến xem một trận đấu là bất hợp pháp và có thể bị truy tố hình sự.

Năm 2022, cổ động viên Adam Chisnell, 38 tuổi của Manchester United, Anh ban đầu bị cấm tham dự các trận bóng đá trong 5 năm, tới năm 2027 do đốt 2 quả pháo sáng ở cuối sân vận động trong trận đấu giữa Brighton với MU hôm 5-5.

Ông Darren Balkham, sĩ quan phụ trách bóng đá của Cảnh sát Sussex, cho biết: “Chúng tôi ủng hộ cách xử lý của giải Premier League trong những vụ việc này và sẽ truy tố nếu có bằng chứng”.

Ban đầu, Chisnell chỉ bị cấm xem bóng đá trong 3 năm cũng như bị phạt gần 185 bảng Anh. Nhưng sau khi bác đơn kháng cáo của cổ động viên này, Tòa án Lewes Crown còn gia hạn lệnh cấm thêm 2 năm và buộc Chisnell nộp thêm 60 bảng tiền phạt. Thông điệp rất rõ ràng: Những thiết bị như vậy rất nguy hiểm và không được chào đón trong các sân vận động bóng đá.

Tương tự, tại Bỉ, Chính phủ liên bang năm 2021 đã thông qua một dự thảo luật tăng mức phạt tối thiểu đối với các hành vi phạm tội liên quan đến an ninh sân cỏ. Theo đó, việc sử dụng pháo sáng sẽ bị phạt hành chính 1.000 euro và bị cấm đến các sân vận động trong 2 năm.

Việc sử dụng các loại pháo hoa khác sẽ bị phạt hành chính 500 Euro và bị cấm đến các sân vận động trong 1 năm. Lệnh cấm pháo còn có hiệu lực trong vòng 48 giờ trước hoặc sau trận đấu, nghĩa là chúng sẽ bị cấm trong quá trình tập luyện trước trận đấu, lễ ăn mừng và vận chuyển cầu thủ bằng xe buýt.

Không có gì đảm bảo rằng hậu quả khôn lường không xảy ra nếu chúng ta không dập tắt ngay lập tức mầm mống cuồng loạn núp bóng sự cuồng nhiệt trong bóng đá.

Vì vậy, công tác tổ chức bất kỳ sự kiện đông người nào, nhất là bóng đá nói riêng, thể thao nói chung cũng cần được bàn bạc, đặt ra kịch bản về “lằn ranh chết chóc” nhằm chống rủi ro, ngăn chặn hậu quả.

Cần chủ động ngăn ngừa nguy cơ tiềm ẩn ngay từ những “tia lửa nhỏ”, mới có thể tránh bùng phát thành “đám cháy” lớn!