Nghịch lý giảm giá xăng, tăng giá hàng tiêu dùng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Khi giá xăng dầu tăng, hầu hết các mặt hàng, đặc biệt là hàng hóa thiết yếu đều gấp rút tăng giá vì chi phí tăng cao. Nhưng khi giá xăng dầu đã giảm mạnh mà giá các mặt hàng khác vẫn đứng yên thì diễn biến này là không công bằng với người tiêu dùng.

Hàng tiêu dùng chế biến sẵn và dịch vụ vẫn tăng giá

Từ tháng 7 đến nay, giá xăng dầu đã giảm khoảng 30% so với lúc cao điểm nhất. Thế nhưng hơn 2 tháng qua, nhiều mặt hàng, dịch vụ tăng theo giá xăng lại vẫn giữ ổn định giá hoặc tăng thêm. Báo cáo cập nhật tình hình giá tháng 9-2022 vừa được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tháng 9-2022 tăng 0,18% so với tháng trước, tác động làm CPI chung tăng 0,06 điểm phần trăm, trong đó lương thực giảm nhẹ 0,08% còn thực phẩm lại tăng 0,16%; ăn uống ngoài gia đình cũng tăng 0,32%. Dù hầu hết các loại gạo đều giảm giá trong tháng nhưng một số loại lương thực chế biến sẵn vẫn tăng giá như: bánh mỳ tăng 0,66%; bột ngô tăng 0,4%; miến tăng 0,29%; mỳ sợi, mỳ, phở, cháo ăn liền tăng 0,28%; ngũ cốc ăn liền tăng 0,13%.

Giá thịt lợn có xu hướng giảm nhẹ trong khi hàng hóa khác vẫn đứng yên

Giá thịt lợn có xu hướng giảm nhẹ trong khi hàng hóa khác vẫn đứng yên

Chỉ số giá nhóm thực phẩm tháng 9-2022 cũng tăng 0,16% so với tháng trước. Theo đó, thịt gia cầm tăng 0,04%, trong đó giá thịt gà tăng 0,07%; thịt gia cầm đông lạnh tăng 0,7%; giá trứng các loại tăng 0,4%; Giá thủy hải sản tươi sống tăng 0,17% mà cụ thể là cá tăng 0,14%; tôm tăng 0,24%; Thủy sản chế biến tháng 9 tăng 0,19% so với tháng 8. Tương tự, nhóm hàng rau tươi, rau khô và chế biến sẵn cũng tăng giá trung bình 1,08% so với tháng trước. Đáng kể nhất là giá cà chua tháng 9 tăng 5,37% so với tháng trước; su hào tăng 2,35%; rau dạng quả, củ tăng 1,65%; khoai tây tăng 0,68%; rau gia vị tăng 1,19%. Giá nước mắm, nước chấm tăng 0,27% so với tháng trước; sữa, bơ, pho mát tăng 0,24%; đường, mật tăng 0,26%; bánh, mứt, kẹo tăng 0,31%; chè, cà phê, ca cao tăng 0,09%.

Cơ quan thống kê cũng chỉ ra, các nhóm hàng như: đồ uống và thuốc lá, may mặc và giày dép; thiết bị và đồ dùng gia đình đều tăng giá khá cao. Cụ thể là giá giường, tủ, bàn ghế tăng 0,2%; máy xay sinh tố, ép hoa quả tăng 1,18%; ổn áp điện tăng 0,18%; nồi cơm điện tăng 0,36%; xà phòng và chất tẩy rửa tăng 0,23%; tủ lạnh tăng 0,15%… Kéo theo các mặt hàng cụ thể này tăng giá thì dịch vụ ăn uống ngoài gia đình, du lịch, vui chơi giải trí đều tăng giá. Nói cách khác, hầu hết các mặt hàng liên quan trực tiếp đến nhu cầu cơ bản nhất là ăn, mặc, ở của con người đều tăng giá.

Để giữ ổn định thị trường, các chuyên gia cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp cần chủ động chuẩn bị đầy đủ các điều kiện đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm nguồn cung và lưu thông hàng hóa. Cùng với đó, Chính phủ chỉ đạo điều tiết hợp lý giá các mặt hàng thiết yếu do Nhà nước quản lý như xăng dầu, điện, dịch vụ, y tế, giáo dục… thực hiện trợ cấp xã hội cho những hoàn cảnh khó khăn để giảm tác động.

Cơ quan thống kê cho biết, nguyên nhân tăng giá của các nhóm hàng trên chủ yếu do nguyên liệu đầu vào tăng hoặc do nhu cầu mang tính thời điểm, chẳng hạn như đầu năm học mới, nhu cầu mua sắm quần áo, giày dép gia tăng. Theo các chuyên gia, kinh tế Việt Nam có đặc điểm khi giá nguyên vật liệu tăng 1% thì giá sản phẩm đầu ra tăng 2,06%, đồng nghĩa với gia tăng lạm phát của nền kinh tế, do đó rủi ro nhập khẩu lạm phát là không thể tránh khỏi trong bối cảnh các nền kinh tế là đối tác thương mại lớn, quan trọng hàng đầu của Việt Nam, như Mỹ, EU, Hàn Quốc... đều dự báo lạm phát ở mức đáng lo ngại. Nhưng trong tháng 9, đà tăng giá của nguyên liệu nhập khẩu đã giảm, áp lực tăng giá hàng hóa cũng nhẹ hơn. Chi phí xăng dầu chiếm khoảng 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn nền kinh tế. Khi giá xăng dầu thế giới tăng sẽ làm tăng giá nguyên vật liệu nhập khẩu, nguyên nhiên vật liệu trong nước. Nhưng giá xăng dầu đã giảm khoảng 30% so với lúc cao điểm mà giá hàng hóa vẫn đứng yên hoặc tăng giá là chưa hợp lý.

Áp lực đặt lên người tiêu dùng

Bình luận về diễn biến giá cả này, một chuyên gia về thị trường nói: “Doanh nghiệp qua 2 năm đối mặt với dịch bệnh cũng trải qua rất nhiều khó khăn, giờ mới khôi phục sản xuất lại gặp đà tăng giá, giờ chi phí có giảm thì cũng không dễ gì họ giảm giá ngay được. Tuy nhiên, giá xăng dầu, nguyên liệu đầu vào tăng thì họ gấp rút tăng giá, còn ngược lại khi chi phí sản xuất giảm mà họ không điều chỉnh giảm thì chưa công bằng với người tiêu dùng”. Theo vị chuyên gia này, việc doanh nghiệp tăng từng bước giá hoặc giữ ở mức cao, không gây đột biến thì rất khó để xử phạt. Điều này dẫn đến tình trạng kéo dài lâu nay là giá cả đã tăng thì khó giảm.

Thứ trưởng Bộ Công Thương khi nói về vai trò của Quỹ bình ổn giá xăng dầu cũng cho hay, duy trì quỹ này là cần thiết để kìm hãm việc giá xăng tăng sốc, từ đó tác động đến giá cả hàng hóa. Bởi lẽ ở Việt Nam có tình trạng giá hàng hóa đã tăng là không giảm.

Giá xăng dầu giảm liên tiếp từ tháng 7 đã khiến các doanh nghiệp vận tải, doanh nghiệp sản xuất và người tiêu dùng “nhẹ gánh”. Chi phí nhiên liệu giảm rõ rệt. Tuy nhiên, giá các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác vẫn tăng hoặc giữ ở mức cao là áp lực với người dân. Chị Hoàng Thu Huệ (ở Mỹ Đình, Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ: “Mỗi lần đổ xăng xe máy tôi thấy giảm tiền rõ rệt, nhưng các hàng hóa khác vẫn tăng. Đầu năm học mới có thêm nhiều khoản chi cho các con, trong khi thu nhập của tôi từ công ty may mắn giữ nguyên. Cứ như thế này thu nhập sẽ không cáng đáng nổi đà tăng giá”.

Cùng chung nỗi lo này, chị Hiền Lương (ở Phú Lương, Hà Đông, Hà Nội) cho hay: “Giá xăng dầu giảm rõ rệt mà hàng hóa không giảm là vô lý. Chi tiêu tăng nên tôi phải nghĩ việc làm thêm. Ngoài giờ làm, tôi còn nhận ship hàng để có thêm chi phí”.

Theo đại diện truyền thông một hệ thống siêu thị lớn, hiện các nhà cung cấp chưa thông báo điều chỉnh giá bán. Tuy nhiên, để chia sẻ với khó khăn của người tiêu dùng, siêu thị cũng đề nghị nhà cung cấp phối hợp để chạy các chương trình khuyến mại, giảm giá cho khách hàng. “Dù vậy, có mặt hàng giảm giá thì khách hàng cần ngay, có mặt hàng không quá thiết yếu nên không phải ai cũng được hưởng ưu đãi. Chúng tôi sẽ tiếp tục đàm phán với nhà cung cấp với diễn biến giá cả hiện nay” - đại diện siêu thị cho biết.

Dự báo của Tổng cục Thống kê cho biết, các tháng cuối năm, giá cả nhóm hàng thực phẩm có thể tiếp tục tăng do nhu cầu tăng cao và giá nguyên liệu đầu vào, thức ăn chăn nuôi chưa có xu hướng giảm. Theo đó, áp lực chi tiêu vẫn nặng gánh với người tiêu dùng. Để giữ ổn định thị trường, các chuyên gia cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp cần chủ động chuẩn bị đầy đủ các điều kiện đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm nguồn cung và lưu thông hàng hóa. Cùng với đó, Chính phủ chỉ đạo điều tiết hợp lý giá các mặt hàng thiết yếu do Nhà nước quản lý như xăng dầu, điện, dịch vụ, y tế, giáo dục… thực hiện trợ cấp xã hội cho những hoàn cảnh khó khăn để giảm tác động.