Nghịch cảnh sân golf

(ANTĐ) - Có ai tin rằng, bà con bản Mường miền sơn cước Lâm Sơn, Lương Sơn, Hòa Bình đi làm nương rẫy bằng ôtô!? Như thường lệ, đúng 6h sáng lái xe đón bà con đi làm, 17h chiều, ôtô đứng đợi ở cửa rừng chở bà con về nhà…

Nghịch cảnh sân golf

Kỳ 1:  Chuyện lạ kỳ ở Lâm Sơn

(ANTĐ) - Có ai tin rằng, bà con bản Mường miền sơn cước Lâm Sơn, Lương Sơn, Hòa Bình đi làm nương rẫy bằng ôtô!? Như thường lệ, đúng 6h sáng lái xe đón bà con đi làm, 17h chiều, ôtô đứng đợi ở cửa rừng chở bà con về nhà…

Sở dĩ bà con bản Mường, xóm Rổng Cấn, xã Lâm Sơn được ôtô đưa đón đi làm nương bởi vì con đường vốn có của bản đã phải “nhường” đất cho sân golf Phượng Hoàng theo quyết định của UBND tỉnh Hòa Bình vào cuối năm 2004. Trong thời gian ngắn, bằng mọi cách nhà đầu tư nước ngoài vận động gần 1 nghìn người dân ở các xóm Rổng Vòng, Rổng Cấn, Rổng Tằm di dời để phục vụ một dự án giải trí sang trọng của số ít người có điều kiện.

5h sáng bà con đã phải đến cổng sân golf để chờ xe ôtô...
5h sáng bà con đã phải đến cổng sân golf để chờ xe ôtô... 

Thế là trong thời gian ngắn, bản làng Rổng Cấn, Rổng Vòng, Rổng Tằm đã phải trao diện tích hơn 300ha đất nông nghiệp, thổ cư đã và đang ở hơn 50 năm qua cho một khu giải trí. Từ khi có dự án sân gofl, rồi từ khi sân golf đi vào hoạt động, cuộc sống bà con xã Lâm Sơn giống như một cuốn phim bi hài về thân phận nông dân, không đường đi, không đất canh tác, không việc làm…

Cả xã Lâm Sơn có 3 xóm Rổng Cấn, Rổng Tằm, Rổng Vòng thì chỉ có duy nhất xóm Rổng Cấn là được “ưu tiên” có ôtô chở bà con qua sân golf để đi làm nương rẫy. Mà người được ôtô chở phải có thẻ do sân golf cấp đeo vào cổ, chứ không phải ai cũng nhảy lên xe mà đi được. Các xóm còn lại muốn đi qua sân golf chỉ còn cách… bay.

Theo như lời của bà con bản Mường thì làm nương cái kiểu thấp thỏm đón đưa thì chẳng chóng thì chày cũng dẫn đến chết đói. Để xoa dịu những nghịch lý, phía sân golf đã chấp nhập cho bà con đi làm nương qua con đường độc đạo - sân golf - bằng cách “mời” bà con lên ôtô.

 Như thường lệ, mùa đông cũng như mùa hè, cứ 6h sáng, bà con xã Rổng Cấn ùa ra cổng của khu sân golf Phượng Hoàng đón xe ôtô đi lên nương. Chiếc xe tải 2,5 tấn nổ phành phành đồng hành cùng bà con gần 2 năm nay đã trở nên quen thuộc với dân bản. Chiều cũng vậy, 17h bà con xuống núi, xe chạy qua sân golf ra cổng. Ai xuống không đúng giờ thì chỉ có cách tự leo núi đá dựng đứng mà về nhà.

... đưa vào nương rẫy
... đưa vào nương rẫy
 

Bà Nguyễn Thị Hồng Nhinh - Phó Chủ tịch UBND xã Lâm Sơn bức xúc: “Bà con phản đối mãi, phía sân golf mới chấp nhận cho bà con đi qua sân để vào nương rẫy, nhưng phải lên ôtô tải để họ đưa qua sân golf”. Những việc làm thiếu quan tâm, không sâu sát đến đời sống người dân của lãnh đạo tỉnh đã dẫn đến việc hài hước như hôm nay.

 Công việc nương rẫy, quanh năm bốn mùa, phụ thuộc vào thời tiết, giờ đây phụ thuộc vào cánh cổng sân golf liệu mùa màng còn chăm bón được hay chăng, giảm nghèo được hay không? Điều trái khoáy đến kỳ lạ, nếu mà giờ ấy có khách chơi golf thì nghiêm cấm không được cho người dân qua. Bức tường hữu hình, có cả vô hình của sân golf khắc nghiệt quá, sự vô lý đến khó tưởng tượng nổi.

Cuộc sống của người dân thì không thể khác được, đành phải đi làm bằng… ôtô vậy. Cứ đến giờ quy định, cả xóm Rổng Cấn xôn xao cuốc xẻng lên xe đi làm. Chị Nguyễn Thị Thắm, ở Rổng Cấn cho hay: “Chúng tôi có muốn nán lại nương rẫy làm cố cho xong việc thì cũng không thể, nếu không sẽ phải đi bộ xa hàng chục cây số đường núi đá. Có hôm tôi vội vàng quá, chưa kịp leo lên, xe đã chuyển bánh thế là ngã ngửa, suýt chết”. Hình ảnh đồng bào Mường bỡ ngỡ lên xuống ôtô, cuốc xẻng lỉnh kỉnh trông đến ái ngại.

Cuộc sống lao động chồng chất khó khăn, lại bị “gói gọn” vào những chuyến xe “giờ hành chính” thì liệu có ổn định được kinh tế? Câu chuyện đi lại của người dân ở Rổng Cấn là cả cuốn phim khôi hài về cuộc sống lao động của người nông dân, thì đối với người dân các xóm Rổng Tằm, Rổng Vòng lại như cuốn tiểu thuyết về “những người khốn khổ” đang rất cần cơ quan có trách nhiệm tỉnh Hòa Bình đọc thật nhanh, kỹ cuốn tiểu thuyết cuộc sống ấy.

Những bước đi không có lối thoát

Đều chung số phận nhưng Rổng Cấn được những người dân trong xã Lâm Sơn cho rằng vẫn còn may mắn hơn cả. Nơi con đường đi qua để vào nương rẫy đã không còn. Người dân mang nông sản của mình ra ngoài đường bằng cách đi trộm qua sân golf, gánh nông sản chui lủi qua hàng rào thép gai như kẻ trộm. Một nắng hai sương để có thành quả lao động và tất cả gia đình trông đợi vào vụ mùa màng ấy nên mới có cảnh tượng gánh củ sắn, thúng khoai chạy thảm hại.

Trước những điều không thể vô lý hơn, người dân phản ứng dữ dội. Đơn từ tới tấp lên lãnh đạo tỉnh Hòa Bình, đại diện sân golf, với mong muốn chính đáng để có được 1 con đường đi lại, thu hái nông sản. Tuy nhiên, cho đến tận giữa năm 2008, phía sân golf mới chấp nhận đề nghị của người dân làm đường vào bản Thung Dâu.

Gọi là đường thì hơi quá, bởi họ chỉ ủi con dốc bớt dựng đứng với chiều dài chưa đầy 1 cây số, tức là làm được 1/10 quãng đường vào Thung Dâu thì bỏ dở. Chính vì vậy mới có chuyện hài hước, lợi dụng buổi trưa nắng gắt, khi vắng bóng bảo vệ người dân vội vàng gánh nông sản chạy qua đường ngang sân golf.

Anh Bùi Văn Tính, ở xóm Rổng Vòng cho biết: “Phải đi trộm qua sân thôi biết làm thế nào được. Có hôm bị phát hiện chạy đổ hết hàng hóa. Những trang trại phía sau hàng rào thép gai đã đến mùa thu hoạch, bản Thung Dâu cũng nằm phía ấy, các cháu đã bỏ học bởi đường xa cách trở đèo cao, suối sâu phải đi từ tờ mờ sáng, tối mịt mới về đến nhà. Người dân đang mòn mỏi đợi chờ một con đường. Bởi huyết mạch quan trọng ấy là sự sống của người dân.

Nguyễn Đức Tuấn

Kỳ sau: Cuộc chơi không dành cho nông dân