Nghịch cảnh giàu - nghèo

ANTĐ - Vào mùa mua sắm cuối năm, bức tranh màu xám của khủng hoảng kinh tế thế giới và nghịch cảnh giàu - nghèo lộ rõ hơn bao giờ hết.

Mùa mua sắm cuối năm nhộn nhịp ở Mỹ

Con số thống kê của Công ty nghiên cứu ShopperTrak và comScore Inc (Mỹ) cho biết, doanh thu bán hàng từ tháng 11 đến ngày “Siêu thứ Bảy” (17-12) tại Mỹ đã tăng 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó doanh thu mua hàng qua mạng trong dịp lễ là 32 tỷ USD, tăng 15% so với thời điểm này năm trước. Còn theo Liên đoàn bán lẻ quốc gia của Mỹ, các cửa hàng dự kiến sẽ thu về khoảng 469,1 tỷ USD trong dịp mua sắm cuối năm. Đây là tín hiệu lạc quan cho thấy người dân Mỹ đã hào hứng hơn với việc mua sắm sau nhiều tháng đắn đo tiết kiệm chi tiêu.

Tại Canada, bất chấp giá lạnh khủng khiếp với nhiệt độ nhiều nơi xuống - 10 đến -15 độ C, không khí Giáng sinh và Năm mới vẫn tràn ngập khắp đất nước Bắc Mỹ này. Dự báo năm nay người dân Canada sẽ mạnh tay chi tiền trong mùa nghỉ lễ cuối năm vì kinh tế đang phục hồi, chính phủ tiếp tục chi tiêu cho kích thích tăng trưởng kinh tế, giá cả hàng hóa giảm và đặc biệt lãi suất vay ngân hàng vẫn ở mức thấp kỷ lục.

Trái lại bên châu Âu, mùa Noel và Năm mới năm nay thật ảm đạm. Người dân cột chặt hầu bao và ít đi mua sắm do thu nhập của họ bị ảnh hưởng bởi các biện pháp thắt lưng buộc bụng hoặc sự lo ngại nền kinh tế sẽ tệ hơn trong năm 2012. Trước đây, cuối năm là dịp các nhà bán lẻ ở châu Âu trúng lớn khi người tiêu dùng đổ xô đi mua hàng. Tuy nhiên, “quả bom” nợ công đang đe dọa cả châu Âu khiến cho người dân hạn chế việc mua sắm bất chấp nhiều ưu đãi.

Bất hạnh hơn châu Âu, người dân nhiều nước trên thế giới đang phải “thắt lưng buộc bụng” bởi cơn “bão giá” thời khủng hoảng. Chẳng hề biết đến khái niệm “mùa mua sắm”, “mùa hạ giá” cuối năm như ở Bắc Mỹ, châu Âu, họ chỉ quan tâm mỗi việc là làm thế nào đủ sống qua ngày. Năm ngoái, Chương trình phát triển của LHQ (UNDP) đưa ra chỉ số mới đánh giá mức độ nghèo đói dựa trên 10 dấu hiệu, từ tỷ lệ phổ cập giáo dục đến tỷ lệ trẻ em tử vong, rồi cấp độ suy dinh dưỡng, việc tiếp cận nguồn điện, sở hữu hàng tiêu dùng. Kết quả cho thấy, tại 104 nước được nghiên cứu có khoảng 1,7 tỷ người nghèo, trong đó hơn một nửa (51%) sống tại Nam Á và hơn 1/4 (28%) sống tại châu Phi, cao hơn so với con số 1,3 tỷ người trước đây.

Vào thời điểm thế giới đón nhận sự xuất hiện của công dân thứ 7 tỷ, đói nghèo vẫn là vấn đề có tính toàn cầu. Một bức tranh tổng thể được công bố cho thấy gần một nửa số dân thế giới sống dưới 2 USD/ngày và cứ 100 trẻ em thì có 8 không sống được đến 5 tuổi. Nếu nói về giàu - nghèo, Báo cáo của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đưa ra ngày 5-12 cho biết, ngay ở các nền kinh tế lớn trên thế giới, khoảng cách này cũng đang ngày càng nới rộng, với tỷ lệ là 14% tại Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và Israel, 10% tại Nhật Bản, Hàn Quốc và Anh, 6% tại Đức, Đan Mạch và Thụy Điển.