Nghĩa tình mái nhà chung

ANTĐ - Lại thêm một cái tết sắp đến. Với những học sinh K14 trường PT Dân tộc nội trú Hà Nội, đây sẽ là mùa ăn tết cuối cùng ở ngôi trường này. Các thầy cô cũng sẽ có một khoảng thời gian nghỉ tết chỉ để dành riêng cho gia đình nhỏ của mình nhưng chẳng ai lại không nhớ tới tập thể hơn 700 “đứa con” đến từ các xã xa nhất, khó khăn nhất của Hà Nội đang cậy nhờ vào sự trông nom, dạy dỗ hàng ngày, hàng giờ của thầy cô.

“Giường nhỏ, 2 người ngủ càng ấm”

Tạo nên nét riêng

Đây là cảm giác của không ít vị khách khi đến làm việc với thầy trò trường PT DTNT Hà Nội. Quang cảnh, không khí ở đây hơn thành phố rất nhiều. Nằm dưới chân núi Ba Vì, ngôi trường lọt thỏm giữa các khu bảo tồn thiên nhiên nổi tiếng với những suối nước nóng, hồ nước lớn, đồng cỏ xanh và những triền núi rậm rạp thảm thực vật nhiệt đới được bảo vệ tầm quốc gia...

Tuy vậy, điểm gây ấn tượng nhất với mọi người lại là nền nếp sinh hoạt của hơn 700 học sinh ở 7 độ tuổi và đến từ 13 xã khác nhau của Hà Nội. Với 7 khu nhà cao tầng gồm cả khu vực hành chính, hiệu bộ, lớp học, nhà ăn, ký túc xá... các khoảng sân lớn, rộng rãi, cây xanh um tùm, nhưng tuyệt nhiên không có lao công. “Trường xanh, sạch, đẹp đến đâu đều do các em học sinh giữ gìn, dọn dẹp. Quan niệm của thầy trò chúng tôi, đây không chỉ đơn thuần là ngôi trường mà là mái nhà chung. Các em sinh hoạt, gắn bó với ngôi trường suốt 7 năm học, nên phải có trách nhiệm giữ gìn. Sự đóng góp tích cực của mỗi cá nhân càng giúp các em thêm gắn bó với tập thể cũng như rèn luyện nếp sinh hoạt, lối sống” - Hiệu trưởng Nguyễn Văn Phú, người gắn bó với trường gần 10 năm nay cho biết.

Khác với các trường nội trú còn nhiều khó khăn ở tỉnh bạn, phần lớn phải tự nấu ăn lấy, 3 bữa ăn của học sinh ở đây đều có các bác cấp dưỡng phụ trách với thực đơn khá phong phú. “Với mức chi 80% lương cơ bản ngân sách thành phố cấp cho bữa ăn của học sinh, tức là vào cỡ 600.000 đồng/học sinh/tháng, chúng tôi vẫn đảm bảo đủ dinh dưỡng cho các em đang tuổi bẻ gẫy sừng trâu này. Rau xanh đều được các thầy cô, học sinh tăng gia ngoài giờ học, trứng và thịt gia cầm, gia súc khu vực này rất phong phú vì các nông trại và hộ dân ở đây nuôi trồng, sản xuất rất nhiều nên hầu như không biến động gì về giá cả.” - thầy Hiệu trưởng cho biết.

Phải vượt lên chính mình

Trường PT DTNT Hà Nội càng đặc biệt hơn khi một ngôi trường của Thủ đô, nhưng học sinh ở đây mang nét hồn nhiên, chân chất của dân tộc Mường, Dao, Nùng, Thái đến từ 13 xã trên địa bàn trải rộng của Hà Nội sau sáp nhập.

“Vẫn còn những hoàn cảnh khó khăn nhưng ngày nay cũng nhiều gia đình dân tộc có điều kiện kinh tế khá. Vậy nên không phải học sinh nào khi đến trường cũng đều biết tự lập và thích nghi được với tập thể. Mới lớp 6, 11 tuổi, nhiều em học sinh chưa đi đâu xa nhà quá một ngày, giờ bị “cách ly” khỏi bố mẹ, anh chị. Biết bao nhiêu thay đổi, ngỡ ngàng với một học sinh vừa qua bậc tiểu học” - thầy Hoàng Văn Thảo cho biết.

Hoàng Thị Cúc, học sinh lớp 8 cho biết, đến giờ thì mọi việc đã ổn, nhưng khi mới vào trường thì thật “kinh khủng”. “Em nhớ mẹ, nhớ bà không chịu nổi. Ban ngày lên lớp với các bạn còn đỡ, tối đến về giường nằm là nước mắt cứ chảy ra. Em khóc liền 2 tháng trời. Các thầy bảo em đã giành kỷ lục về học sinh khóc lâu nhất của trường”.

Khỏi phải nói, cuộc sống của một học sinh nội trú đem lại nhiều xáo trộn thế nào đối với một học sinh mới lớn. Chính vì vậy mà không ít trường hợp bố mẹ phải đến xin phép nhà trường cho con về vì không thể hòa nhập được với yêu cầu của cuộc sống nội trú, độc lập mọi việc và thiếu thốn tình cảm. “Với những học sinh thích ứng được với môi trường sinh hoạt, học tập của nhà trường, rõ ràng các em đã vượt lên được chính mình. Chính những học sinh này khi bước vào cuộc sống sinh viên hay đi làm cũng đã có một vốn kiến thức sống, giao tiếp, hòa nhập quý giá so với các bạn cùng trang lứa” - thầy Nguyễn Văn Phú phân tích.

Sắc màu dân tộc Việt

Xuất phát từ tình cảm gắn bó trong những năm học tập tại trường, thầy Hoàng Văn Thảo, dân tộc Mường, vốn là học sinh khóa 2 đã quay về nhận công tác tại trường. Biết công việc của một trường nội trú khó có thể dứt ra được nhưng Thảo không ngần ngại nhận làm công tác đoàn đội, khuấy động phong trào và tạo sức hút hoạt động tập thể cho các học sinh tại đây. “Vì là trường dân tộc nội trú nên hoạt động văn hóa nghệ thuật khá phong phú. Một trong những tiết mục luôn được các em yêu thích là diễn đàn sắc màu dân tộc. Ở đây các em tự giới thiệu về văn hóa dân tộc mình, trình diễn trang phục truyền thống... Các đặc sản, ẩm thực đặc trưng của từng vùng, từng dân tộc cũng là mục không thể thiếu trong tập san “Hoa của núi” mà các em tự đứng ra dàn dựng ” - thầy Thảo cho biết.

Không chỉ với 4 dân tộc ở Hà Nội, các chương trình giao lưu, gặp gỡ với các trường DTNT tỉnh bạn luôn được nhà trường tổ chức hàng năm. “Có đi xa mới thấy văn hóa các dân tộc Việt Nam thật đặc sắc. Các em được giao lưu với các bạn ở Lai Châu, Điện Biên, Việt Bắc... để hiểu rõ hơn nét truyền thống và đa dạng trong văn hóa dân tộc của bạn, của mình”. Là người Kinh nhưng lại gắn bó với trường từ những ngày đầu thành lập, thầy Nguyễn Đắc Ích, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, cũng vì gắn bó với trường mà các thầy cô phải học tập rất nhiều để nắm bắt được tâm lý, lối sống của các em người dân tộc. “Tôi vẫn nhớ trường hợp một em học sinh dân tộc Dao đang giữa tuần học xin về thăm nhà. Vì nội quy nhà trường chỉ cho phép học sinh về vào cuối tuần nên em đã không được phép nghỉ. Tuy nhiên, sáng hôm sau đến giờ học, cô chủ nhiệm hốt hoảng báo cáo không thấy học sinh này ra lớp. Sau cả ngày tìm khắp nơi, giáo viên phải về tận nhà học sinh thì mới biết, hôm đó là ngày sinh nhật của ông nội em.

Theo phong tục của người Dao, những dịp lễ sinh nhật cho ông bà, bố mẹ rất quan trọng vì họ chỉ tổ chức kỷ niệm ngày sinh khi còn sống chứ không làm giỗ sau khi mất. Trong khi đó, cậu học sinh này lại là cháu đích tôn, không thể vắng mặt ở những buổi như vậy nên đã tự động bỏ trường đi bộ về nhà... Đây là kinh nghiệm lớn với những thầy cô và đặc biệt là người quản lý cần nắm bắt được phong tục, tập quán để có những điều chỉnh hợp lý với học sinh”.