Kỳ họp bất thường lần thứ hai, Quốc hội khóa XV

Nghị quyết của Quốc hội huy động được tối đa nguồn lực cho phòng chống dịch Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Chiều 7-1, tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ hai, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28-7-2021 kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV về các chính sách phòng chống dịch bệnh Covid-19; đề xuất nội dung đưa vào Nghị quyết của Quốc hội về việc chuyển tiếp thực hiện một số chính sách theo quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 về các chính sách phòng chống dịch bệnh Covid-19...

Sáng kiến lập pháp đặc biệt

Phát biểu thảo luận, đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) khẳng định, Nghị quyết số 30/2021/QH15 không chỉ là một sáng kiến lập pháp, mà còn là một sáng kiến lập pháp rất đặc biệt, cùng với cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách. Quốc hội đã chia sẻ trách nhiệm, hay nói đúng hơn là trao quyền của Quốc hội cho Chính phủ. “Đây là một cách làm chưa từng có tiền lệ trong lịch sử luật pháp Việt Nam. Chính điều này đã tạo nên sức mạnh tổng hợp, đưa cả hệ thống chính trị và người dân Việt Nam trong và ngoài nước, bạn bè quốc tế đồng tình ủng hộ, huy động được tổng lực tối đa các nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch bệnh”, đại biểu nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn kết luận nội dung thảo luận

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn kết luận nội dung thảo luận

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn thành phố Hồ Chí Minh) nêu, thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn ra hết sức phức tạp trên thế giới, đặc biệt là với biến chủng Delta đã gây nên những tác hại nghiêm trọng tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam khi số ca nhiễm tăng nhanh, từ 100 ca/ngày lên tới 1.000 - 5.000 ca/ngày. Thuốc và phác đồ điều trị chưa có, vật tư y tế, máy móc, thiết bị, giường bệnh không đáp ứng đủ, nhân lực y tế quá tải... đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng, tổn thương rất lớn đến sức khỏe, tính mạng người dân, ảnh hưởng đến kinh tế. “Trong bối cảnh đó, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phối hợp, đồng hành cùng Chính phủ làm việc ngày đêm để kịp thời đưa vào nội dung Nghị quyết kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV những nội dung quan trọng để Chính phủ tiếp tục chủ động, linh hoạt, áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình trạng khẩn cấp nhằm ngăn chặn kịp thời dịch bệnh lây lan” - đại biểu Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (đoàn Hưng Yên) cũng khẳng định, Nghị quyết số 30/2021/QH15 là chủ trương, chính sách hợp lòng dân, phù hợp với thực tiễn, xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn. Với việc ban hành kịp thời Nghị quyết và việc triển khai thực hiện khẩn trương, quyết liệt, có hiệu quả các nội dung đề ra trong Nghị quyết, chúng ta đã kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19 trên phạm vi toàn quốc, đưa đất nước trở về trạng thái bình thường mới.

Bên cạnh đó, các đại biểu Quốc hội cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế của công tác phòng chống dịch Covid-19. Trong đó, vấn đề chậm chi trả kinh phí hỗ trợ cho các lực lượng tuyến đầu tham gia chống dịch và những khó khăn, bất cập trong công tác mua sắm thiết bị, vật tư y tế được các đại biểu Quốc hội nêu rõ. Các đại biểu cũng cho rằng nên áp dụng thêm cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách đối với việc mua sắm vật tư y tế, đầu tư cơ sở, trang thiết bị, hóa chất trong bối cảnh dịch bệnh; phải tăng cường công tác phân tích, dự báo; tăng thêm chi phí cho ngành y tế để tăng cường công tác phân tích, dự báo phòng, chống các dịch bệnh.

Áp dụng thêm cơ chế đặc biệt, đặc thù

Để tiếp tục duy trì vững chắc thành quả trong phòng, chống đại dịch Covid-19 và dự phòng nguy cơ dịch chồng dịch diễn biến phức tạp, đại biểu Tô Ái Vang (đoàn Sóc Trăng) kiến nghị, Chính phủ xem xét, tạo cơ chế để các chuyên gia ngành y theo dõi, hợp tác với các chuyên gia quốc tế nghiên cứu hoàn chỉnh về hậu Covid-19 và các ảnh hưởng đến sức khỏe, thể chất, tinh thần hậu Covid-19, các bệnh liên quan đến hậu Covid-19. Qua đó, tạo cơ sở để Chính phủ tiếp tục có chính sách hỗ trợ trong công tác khám, chữa bệnh và điều trị các bệnh về hậu Covid-19. Đại biểu cũng đề nghị ưu tiên nguồn lực đầu tư cho ngành y tế, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho y tế cơ sở, y tế dự phòng, bảo đảm tốc độ tăng chi y tế cao hơn tốc độ tăng chi bình quân chung của ngân sách địa phương. Đồng thời, có sự phân cấp rõ ràng, không giới hạn người dân đến điều trị các bệnh về hậu Covid-19 theo chế độ bảo hiểm y tế; đặc biệt là công tác khám, chữa bệnh và điều trị kịp thời các bệnh nền, bệnh mãn tính chuyển biến nhanh.

Liên quan đến việc thanh toán kinh phí cho việc phòng chống dịch bệnh Covid-19, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) băn khoăn việc thanh toán chậm, cần quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân triển khai chậm… Về vaccine phòng chống dịch Covid-19, đại biểu Nguyễn Anh Trí đánh giá cao vai trò của Quốc hội, Chính phủ trong ngoại giao vaccine, nhờ đó, dịch bệnh sớm được kiểm soát. Tuy nhiên, Việt Nam cần phải tự sản xuất vaccine riêng. “Đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo để sớm tổ chức hệ thống sản xuất vaccine một cách bài bản, quy củ, đúng cách để phục vụ đất nước trong những đợt dịch khác” - đại biểu nhấn mạnh.

Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội cũng đồng tình với việc cho phép thực hiện chuyển tiếp một số nội dung quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 và cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1-1-2023 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược.

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, sẽ tiếp tục rà soát, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương để bổ sung thông tin, số liệu, phân tích thêm các vướng mắc, bất cập và nguyên nhân của những vướng mắc hiện nay cũng như các vấn đề tồn tại về chế độ, chính sách. Về việc tổng kết và đúc rút những bài học kinh nghiệm, theo Bộ trưởng Bộ Y tế, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho ngành Y tế phối hợp cùng các bộ, ngành, địa phương để tổng kết 3 năm công tác phòng, chống dịch, từ đó đánh giá những mặt làm được, chưa làm được, nguyên nhân, tồn tại và đặc biệt là những bài học kinh nghiệm cho thời gian tới.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, tại phiên thảo luận, đã có 8 ý kiến phát biểu. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cơ quan trình, cơ quan thẩm tra tiếp thu ý kiến xác đáng của các đại biểu Quốc hội. Tổng Thư ký Quốc hội sẽ có báo cáo giải trình để trình Quốc hội cho ý kiến biểu quyết, thông qua tại phiên bế mạc của kỳ họp này.

Đề nghị chuyển nguồn kinh phí hơn 5.000 tỷ đồng cho công tác phòng chống dịch năm 2022

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày tờ trình

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày tờ trình

Chiều 7-1, Quốc hội nghe tờ trình của Chính phủ về việc chuyển nguồn kinh phí công tác phòng chống dịch Covid-19 năm 2021 của các địa phương sang niên độ ngân sách năm 2022.

Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Chính phủ đã đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, tổng hợp các khoản kinh phí phòng chống dịch Covid-19 năm 2021 còn dư dự toán, không thuộc các trường hợp đương nhiên được chuyển nguồn theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và địa phương có nhu cầu tiếp tục sử dụng cho công tác phòng chống dịch Covid-19 trong năm 2022. Trên cơ sở tổng hợp của 24/54 địa phương, căn cứ quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội, Chính phủ trình Quốc hội cho phép 24 địa phương được chuyển nguồn số kinh phí 5.016,7 tỷ đồng ngân sách địa phương được bố trí chi cho công tác phòng chống dịch Covid-19 năm 2021 nhưng chưa sử dụng hết sang niên độ ngân sách năm 2022 để các địa phương này tiếp tục chi cho công tác phòng chống dịch Covid-19 trong năm 2022.

Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho biết, việc bố trí nguồn cho công tác phòng chống dịch năm 2022 là cần thiết, do đó nhất trí với tờ trình của Chính phủ và hủy dự toán đối với số chuyển nguồn không thực hiện, giải ngân đến hết niên độ ngân sách Nhà nước năm 2022. Đối với các địa phương chưa có báo cáo về tình hình kinh phí phòng chống dịch Covid-19 năm 2021 còn dư, đề nghị thực hiện đúng quy định pháp luật, cắt giảm, hủy dự toán kinh phí ngân sách địa phương còn dư theo quy định. Để bảo đảm đủ cơ sở pháp lý, phù hợp với thực tiễn, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội kiến nghị Quốc hội cho phép chuyển nguồn kinh phí phòng chống dịch Covid-19 năm 2021 sang niên độ ngân sách năm 2022 và bổ sung nội dung này vào Nghị quyết về việc điều chỉnh kế hoạch vốn vay năm 2022 của các địa phương.