Chuẩn nghèo đa chiều sẽ dựa trên hai yếu tố cơ bản. Một là các nhu cầu xã hội thiết yếu về y tế, học tập, việc làm, nhà ở và thông tin. Hai là chuẩn nghèo theo thu nhập, bao gồm chuẩn mức sống tối thiểu và chuẩn nghèo cùng cực. Đại diện Bộ LĐ-TB&XH nhấn mạnh, tốc độ giảm nghèo không công bằng giữa các vùng miền và nhóm dân cư khác nhau, tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn khá cao ở một số vùng, nhất là dân tộc thiểu số. Tình trạng không công bằng là vấn đề nổi cộm, không chỉ về thu nhập mà còn ở sự tiếp cận các dịch vụ xã hội, an sinh xã hội. Nghèo kinh niên vẫn tồn tại ở nhóm dân tộc thiểu số, các vùng đặc biệt khó khăn. Đến nay, gần 50% hộ dân tộc sống dưới chuẩn nghèo chung và 31% rơi vào cảnh thiếu lương thực. Ý kiến của Quốc hội cũng như cử tri cho rằng, cần chuyển từ cách tiếp cận nghèo đơn chiều sang nghèo đa chiều. Xu hướng đo lường nghèo đa chiều đã được nhiều quốc gia áp dụng vì đánh giá được sự thiếu thốn về khám chữa bệnh, sức khỏe, học hành, các dịch vụ thiết yếu của các hộ nghèo. Việc sử dụng chuẩn nghèo dựa theo thu nhập một thời gian quá dài đã bỏ sót nhiều đối tượng, thiếu công bằng khi thực hiện chính sách, độ bao phủ chưa cao.
Trước những bất hợp lý, Chính phủ giao Bộ LĐ-TB&XH nghiên cứu, thiết kế lại chính sách để làm sao không một bộ phận, người dân nào nghèo đói mà không được tiếp cận, thụ hưởng chính sách giảm nghèo. Một người hoặc một hộ được xác định là nghèo đa chiều, nếu họ thu nhập thấp hơn chuẩn thu nhập, đặc biệt là thiếu hụt những nhu cầu xã hội cơ bản như tiếp cận dịch vụ giáo dục, chăm sóc sức khỏe, bảo hiểm xã hội, việc làm… Điều băn khoăn lớn hiện nay là, liệu nước ta có đủ số liệu điều tra mức sống hộ gia đình, dữ liệu để tính toán, xây dựng chi tiết những tiêu chí đó hay không.