Nghề “xẻ thịt” bom đạn và những cái chết lãng nhách

ANTĐ - Chiến tranh đã qua hàng chục năm, nhưng những tàn tích còn sót lại vẫn cứ mãi đeo bám cuộc sống con người, gây ra những cái chết đau lòng.

Những đầu đạn còn sót lại sau chiến tranh nằm len lóc nhiều nơi

Ở tỉnh Quảng Ngãi, cứ năm nào cũng nghe xảy ra vụ chết thương tâm vì đạn, bom nổ. Nhưng những người làm nghề rà phế liệu, cưa đục bom đạn vẫn bất chấp nguy hiểm, đánh cược sinh mạng mình để nuôi sống bản thân và gia đình.

Tử nạn sau mấy mươi năm săn bom mìn

Ngày 1-8-2011, nạn nhân Nguyễn Tấn Lưu (46 tuổi, ngụ xã Tịnh Minh, huyện Sơn Tịnh) bị đứt 2 chân và khắp người bị thương đã dần thoát khỏi nguy kịch tại Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng. Trước đó, sáng ngày 30-7, trong lúc rà sắt, ông Lưu cùng hai ông Trần Minh Trí (52 tuổi), Trương Văn Phu (51 tuổi) đều ngụ xã Tịnh Sơn, huyện Sơn Tịnh đã nhặt được quả đạn pháo tại khu đất thuộc thôn An Hải (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn). Cả ba ông đem đầu đạn tới khu vực vắng người tổ chức đục thì quả đạn phát nổ khiến ông Trí và Phú chết tan xác tại chỗ. Còn ông Lưu chuyển đi cấp cứu.

Năm 1985, từ chiến trường Camphuchia trở về, ông Trần Minh Trí lập gia đình và sinh con. Cuộc sống nghèo khổ, ông theo nghề rà sắt phế liệu. Với chút kinh nghiệm ở chiến trường, ông Trí nhanh chóng thu phục, “mổ” nhiều quả pháo, đạn còn sót lại sau chiến tranh. Ở xã Tịnh Sơn, huyện Sơn Tịnh có khoảng 20 người nghề rà sắt phế liệu, nhưng chỉ có ông Trí là sành sỏi việc cưa bom, đục đầu đạn lấy thuốc nổ. Ông Trí không ít lần bị chính quyền địa phương lập biên bản xử lý vì việc “liều mạng” cưa, đục bom đạn trái phép.

Nghề mổ xẻ bom đạn như ăn sâu vào người. Hàng ngày ông Trí đi rà phế liệu, phát hiện bom, đạn, ông sẵn sàng “làm thịt” lấy thuốc nổ. Gần đây ông Trí cùng ông Nguyễn Tấn Lưu và ông Trương Văn Phú lập nhóm đi rà sắt phế liệu. Khi gặp đạn, pháo, cả ba ông đem đến khu vực vắng người cưa, đục lấy thuốc nổ bán chia tiền.

Nghề “săn” bom đạn

Ở huyện Mộ Đức nổi tiếng có thôn Thạch Trụ Tây, xã Đức Lân chuyên hành nghề rà sắt và đục cưa bom đạn. Cả thôn có hàng chục người tham gia nghề rà phế liệu sắt và bom đạn. Cách đây không lâu tại cơ sở phế liệu của ông H.N.H ở thôn Thạch Trụ Tây đã xảy ra một vụ nổ đầu đạn gây chấn động cả thôn. Ông H.N.H - chủ cơ sở phế liệu thường hay mua bom đạn, sau đó đục lấy thuốc nổ và sắt bán. Trong lúc đục đầu đạn thì đạn phát nổ làm ông H. chết tại chỗ. Bà Nguyễn Thị Lý, vợ ông H. và ông Phạm Dự, quê xã Phổ Phong, huyện Đức Phổ bị thương nặng. Ngôi nhà bị hư hỏng tan hoang.

 Nạn nhân Nguyễn Tấn Lưu trong cơn nguy kịch chuyển cấp cứu bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi

Trước đó, hai anh N.B. và N.G. đều ở xóm 6, thôn Thạch Trụ Tây hành nghề rà sắt. Trong quá trình đi rà đã thu gom rất nhiều bom, đạn và đem giấu tại núi Gốc Sộp gần nhà. Một buổi chiều, cả hai lên Gốc Sộp đem đầu đạn pháo 105L ra đục lấy thuốc nổ. Đầu đạn phát nổ khiến 2 người chết tại chỗ. Ngoài ra cả một khoảnh rừng bị cháy trụi lủi ai nhìn cũng rùng mình. Tại hiện trường còn có hàng chục đầu đạn, trái pháo khác đang bị cưa, đục.

Tỉnh Quảng Ngãi cũng như nhiều tỉnh, thành khác, sau chiến tranh, bom đạn còn tồn dư, rơi vãi khắp nơi. Do đời sống còn khó khăn, nhiều người dân đổ xô rà tìm nhặt bán phế liệu, hoặc cưa, đục lấy thuốc nổ bán. Trung bình mỗi ngày, có hàng chục người thu nhặt phế liệu sắt thép các loại, hoặc lén lút lấy thuốc nổ bán cho những người hành nghề khai thác đá, đánh bắt hải sản từ các nơi khác đến.

Theo một chủ thu mua phế liệu ở huyện Mộ Đức cho biết, khi rà sắt gặp “mánh” được những bom nặng hàng tạ chưa nổ, những người rà sắt tổ chức cưa bom, lấy thuốc nổ đem bán cho những kẻ buôn lậu chất nổ để kiếm tiền. Theo chủ thu mua phế liệu cho biết một quả bom lấy được trên 100kg thuốc nổ sẽ bán được hàng chục triệu đồng. Vì sự cám dỗ lợi nhuận cao, nhiều người vẫn lao vào để rồi bị phát hiện bắt đi tù, thậm chí trả giá bằng cả mạng sống. Rất nhiều tai nạn thương tâm đã xảy ra. Rất nhiều người đàn ông, đàn bà đang lành lặn bỗng trở thành tàn tật, nhiều trẻ em đang khoẻ mạnh bỗng nhiên mù loà hoặc mang theo những dị tật khác suốt đời.

Những cái chết tang thương vì bom, đạn để lại vợ, con cái nheo nhóc, mà nguyên nhân chính là do nhiều người dân vẫn chưa ý thức hết sự nguy hiểm của loại vũ khí chiến tranh còn sót lại này. Nghĩ rằng mưu sinh bằng sắt phế liệu, họ không ngờ “thần chết” đang rình rập bên trong.

Để hạn chế những tai nạn đáng tiếc do bom mìn gây ra, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, quản lý nhằm ngăn chặn tình trạng người dân thu mua, khai thác bom mìn còn sót lại từ chiến tranh. Người dân khi phát hiện các loại phế liệu đạn dược phải tự giác giao nộp hoặc báo cho cơ quan chức năng để có hướng xử lý an toàn.