Nghệ thuật khen chê

ANTĐ - Khi Tổng thống John Calvin Coolidge vừa nhậm chức, ông cho tuyển một nữ thư ký để giúp việc. Cô thư ký trúng tuyển trẻ trung, xinh đẹp, nhanh nhẹn nhưng tính hơi ẩu, làm gì cũng mắc sai sót, không đánh máy sai lỗi chính tả thì cũng ghi nhầm thời gian. Điều này đã gây ra nhiều rắc rối cho công việc của tổng thống, các thượng nghị sĩ đã nghĩ rằng nên thay người khác để công việc được trôi chảy hơn.

Một hôm, vừa thấy cô thư ký bước vào phòng làm việc, Tổng thống John Calvin Coolidge lên tiếng khen trang phục và vẻ ngoài xinh đẹp của cô. Cô thư ký vừa vui vừa lo bởi vì thường tổng thống rất ít khi khen người khác. Tiếp đó John Calvin nói: “Tôi tin rằng trong công việc, cô cũng có thể làm thật tốt giống như cách cô chăm chút cho con người của mình vậy”.

Từ hôm đó, quả nhiên cô thư ký không còn mắc sai sót trong công việc nữa, thậm chí các tài liệu, văn bản còn được trình bày rất đẹp và dễ đọc hơn trước rất nhiều. Biết được câu chuyện này, một thượng nghị sĩ hiếu kỳ đã hỏi tổng thống: “Làm thế nào mà ngài nghĩ ra được cách này hay vậy?”. John Calvin cười lớn: “Điều này đơn giản thôi. Ông cũng biết người thợ cắt tóc trước khi cạo râu cho khách đều thoa một lớp kem để người đó không cảm thấy đau đúng không. Chẳng qua tôi chỉ áp dụng cách đó thôi mà!”.

Phê bình người khác bằng cách nói thẳng vào mặt họ hoặc đuổi việc khi nhân viên của mình làm sai là cách quá đơn giản để làm hài lòng mình và làm xấu mặt người khác. Nhưng để người khác nhận ra sai sót của họ và sửa chữa chúng bằng lời khen hay những lời lẽ lịch sự và tôn trọng thì cả hai bên đều được hài lòng và được việc chung. Đó là nghệ thuật mà tất cả những người làm lãnh đạo cần có.