Ngày không hội ở chùa Keo

ANTĐ -Một ngôi chùa độc đáo về nghệ thuật kiến trúc chạm khắc, bề thế về không gian đã tọa lạc hơn 400 năm qua bên triền đê con sông Hồng.

"Dù cho cha đánh mẹ treo, em không bỏ hội chùa Keo hôm rằm".

Đó là ngày hội vào các ngày 13,14, 15 tháng 9 Âm lịch hàng năm. Ngày chính hội ở chùa Keo vui lễ rước kiệu, hương án, long đình, thuyền rồng và tiểu đỉnh. Trong chùa thì có cuộc thi diễn xướng về đề tài lục cúng: hương, đăng, hoa, trà, quả, thực... vì thế rất vui.

Ngày nay, chùa Keo là điểm đến của du khách muôn phương trong cả những ngày thường. Chùa Keo ngày hội thì vui, ngày thường không gian mang đến cho cảm nhận thanh tịnh, nhẹ nhàng. Ta có thể chiêm ngưỡng kỹ càng những nét chạm hoa văn, phóng tầm mắt nhìn vào những hàng cột gỗ hun hút, chạy dài tít tắp dưới những rặng nhãn cổ thụ tỏa bóng mát.

Chùa Keo tạo lạc trên vùng đất xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, Thái Bình thờ Đại sư Không Lộ - một trong đại tổ của dòng Phật giáo Việt Nam. Đây là một danh y được truyền tụng chữa "Bách bệnh tiêu tán, vạn bệnh tiêu trừ", một nhà thơ lớn thời Lý... Ngoài ra, chùa này còn có bàn thờ bà Lại Thị Ngọc Lễ, cất công mua gỗ tốt, tìm thuê thợ giỏi dựng điện thờ Phật.

Theo sách Trùng san Thần Quang Tự Phật tổ bản hành thiền uyển ngữ lục tập yếu, Thiền sư Không Lộ vốn họ Dương, sinh ra trong một gia đình ngư phủ, xuất gia theo Thiền sư Lôi Hà Trạch. Tương truyền rằng từ khi đắc đạo, Thiền sư Không Lộ có khả năng bay trên không, đi trên mặt nước và thuần phục được rắn, hổ. Truyền thuyết còn kể rằng trước khi viên tịch, Ngài hóa thành khúc gỗ trầm hương, lấy áo đắp lên và khúc gỗ biến thành tượng. Thánh tượng này nay còn lưu giữ trong hậu cung quanh năm khóa kín cửa.

Phong cảnh chùa Keo

Cổng Tam quan nội bên hồ nước (phía trước tam quan nội còn có Tam quan phái cổng vào chùa)

Không gian thanh tịnh ngày thường ở chùa Keo

Các công trình kiến trúc chính của chùa Keo gồm: Tam quan ngoại, Tam quan nội, Chùa Phật, Toà chùa Ông Hộ, Toà ống muống, Toà Tam bảo, Đền Thánh, Toà Giá roi, Toà Thiêu hương, Toà Phụ quốc, Toà Thượng Điện và cuối cùng là Gác chuông

Theo văn bia và địa bạ chùa Keo thì diện tích toàn khu kiến trúc rộng 28 mẫu (100.800m2), bề ngang dài gần 500 mét, chiều sâu khoảng 200 mét.

 Theo bản đồ địa chính xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư thì khu di tích chùa Keo hiện nay có diện tích 40.907,9m2, đường giao thông nội tự (đường rước kiệu) có diện tích 654 m2. Tổng diện tích 41.561,9m2.

Gác chuông gỗ chùa Kèo - một kiến trúc độc đáo
được tỉnh Thái Bình lấy làm biểu tượng

Gác chuông chùa Keo là một kiến trúc đẹp, cao 11,04 m, có 3 tầng mái,kết cấu bằng những con sơn chồng lên nhau.

 

Bộ khung gác chuông làm bằng gỗ liên kết với nhau bằng mộng, nâng bổng 12 mái ngói với 12 đao loan uốn cong dáng vẻ thanh thoát, nhẹ nhàng.

Trong gác chuông treo 3 quả chuông theo phương thẳng

Điểm đặc biệt ở chùa Keo là các mộng-vì- kèo gỗ được ghép lại với nhau rất tài tình
không sử dụng đến một chiếc đinh

Những cụ bà ngồi nghỉ ngơi dưới gốc cây bàng trong khuôn viên chùa