Ngày hội văn hóa Chăm: Điệu múa Apsara dưới chân tháp cổ

ANTĐ - Sự huyền bí của những đền đài tháp cổ, những điệu múa Apsara huyền thoại và quyến rũ, những âm thanh đắm say của tiếng trống Paranưng đã được tái hiện và trình diễn khiến người xem cảm nhận được sự sáng tạo tuyệt vời của đồng bào nơi đây.

Tối 14-10, với sự tham dự của gần 1.000 diễn viên, nghệ sĩ, nghệ nhân là người dân tộc Chăm ở 9 tỉnh thành trong cả nước, Lễ khai  mạc Ngày hội văn hóa- thể thao- du lịch vùng đồng bào dân tộc Chăm  đã diễn ra dưới chân ngôi tháp cổ PoKlong Giarai- Phan Rang- Ninh Thuận. Đây là lần thứ 2, ngày hội văn hóa Chăm được tổ chức, lần thứ nhất diễn ra cách đây 10 năm, năm 2000 tại Hà Nội.

Nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước đã quan tâm, chỉ đạo bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của các dân tộc, trong đó có dân tộc Chăm. Những đền Tháp- tài sản vô giá, quý báu của dân tộc đã được chăm lo tu bổ, bảo tồn, phát huy giá trị. Các lễ hội đặc sắc gắn liền với đời sống tâm linh, tín ngưỡng, lao động sản xuất được duy trì, phát huy trong cộng đồng, trở thành nét đẹp, bản sắc văn hoá của dân tộc Chăm.

Ngày hội văn hóa dân tộc Chăm lần này diễn ra trùng với thời điểm Tết Kate. Đây là lễ hội thiêng liêng để tưởng nhớ tổ tiên, ông bà, tạ ơn các đấng thần linh đã giúp mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Trong ngày Tết Kate, không thể thiếu các nghi thức như Lễ rước y trang. Đi đầu đoàn rước là  các thầy lễ trong trang phục áo choàng trắng, đầu chit khăn trắng, theo sau là các thân hào, nhân sĩ. Các bộ lễ phục được đặt trên kiệu, có lộng che hai bên, theo sau là các thiếu nữ trong trang phục áo dài xanh, tiếng nhạc Chăm rộn ràng. Đoàn người Raglai múa đánh mã la, thổi kèn bầu và các vũ nữ Chăm múa quạt…

      
                                  

  Những điệu múa truyền thống mở màn lễ khai mạc

Nhắc đến văn hóa Chăm, không thể không nhắc đến điệu múa Apsara huyền thoại. Không chỉ là điệu múa cung đình, đó còn là loại hình nghệ thuật quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của dân tộc Chăm. Cho đến ngày nay, trải qua mấy trăm năm lịch sử, nghệ thuật múa Chăm vẫn âm thầm tồn tại và sáng mãi với thời gian. Dưới chân tháp Poklong Garai, nghe và xem những vũ nữ Chăm đắm mình trong điệu múa Apsara, trong tiếng trống Ghi năng, tiếng khèn môi Lơtin, lúc trầm hùng, sâu lắng, lúc nhẹ nhàng tha thiết, người xem có thể cảm nhận được tâm hồn cùng sự sáng tạo tuyệt vời, sự lắng đọng của nghệ thuật Chăm.

Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch vùng đồng bào dân tộc Chăm – Ninh Thuận 2012 là dịp nhân lên giá trị, sức sống của văn hoá Chăm trong văn hoá các dân tộc Việt Nam. Đây không chỉ là dịp giao lưu, tăng cường tình đoàn kết, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp, quảng bá, giới thiệu về dân tộc Chăm, mà còn là dịp có thêm những nghiên cứu, hoạt động thiết thực góp phần chăm lo đời sống văn hoá, phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc Chăm.

Ngày hội Văn hóa - thể thao - du lịch vùng đồng bào dân tộc Chăm – Ninh Thuận diễn ra trong 3 ngày , từ 14 đến 16-10 tại 4 địa điểm: khu du lịch Tháp Poklong Garai (TP Phan Rang - Tháp Chàm), sân vận động thôn Hữu Đức, làng nghề thổ cẩm Mỹ Nghiệp và làng nghề gốm Bàu Trúc (huyện Ninh Phước) với các hoạt động văn hóa nghệ thuật truyền thống cùng một cuộc hội thảo với chủ đề “ Bảo tồn và phát huy văn hóa Chăm”.

Một vài hình ảnh trong đêm khai mạc:

Vũ nữ Chăm trong điệu Apsara

Chuẩn bị cho nghi thức rước y trang

Rước y trang lên tháp

Trình diễn nghệ thuật gốm Bàu Trúc
Tháp cổ và tiếng trống Paranưng
Toàn cảnh tháp Poklong Giarai
Một trong quần thể tháp Poklong Giarai, từ chân tháp có thể thấy toàn cảnh TP Phan Rang- Ninh Thuận.