Ngành y tế Thủ đô: Chuyển đổi số, cải cách hành chính không phải để được “khen thưởng” mà là sống còn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Không phải ngẫu nhiên mà Hà Nội được Bộ Y tế, Bộ Công an chọn là địa phương đầu tiên triển khai thí điểm xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử, sổ sức khỏe điện tử gắn với Đề án 06 của Chính phủ.
Bệnh viện Đa khoa Đống Đa triển khai ki ốt đăng ký khám bệnh tự động sử dụng căn cước công dân (CCCD) gắn chíp
Bệnh viện Đa khoa Đống Đa triển khai ki ốt đăng ký khám bệnh tự động sử dụng căn cước công dân (CCCD) gắn chíp

Bên cạnh hạ tầng chung thì vai trò và nỗ lực của ngành y tế Thủ đô trong cải cách hành chính, chuyển đổi số rất đáng được ghi nhận.

Chuyển đổi số qua những việc làm cụ thể chứ không hô khẩu hiệu

Bắt đầu từ tháng 2-2024, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa chính thức triển khai ki ốt đăng ký khám bệnh tự động sử dụng căn cước công dân (CCCD) gắn chíp và nhận diện khuôn mặt nhằm đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân được nhanh chóng, kịp thời, rút ngắn thời gian chờ đợi.

Với trung bình gần 1.000 lượt người bệnh đến thăm khám mỗi ngày, khâu tiếp đón truyền thống bằng cách yêu cầu người bệnh lấy số thứ tự rồi vào quầy làm thủ tục khó đáp ứng được yêu cầu về giảm tải, giảm thời gian chờ đợi của người bệnh. Chính Bệnh viện Đa khoa Đống Đa cũng thừa nhận rõ thực trạng này nên đã và đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác khám, chữa bệnh để nâng cao sự hài lòng của người bệnh.

Vì thế, việc triển khai máy đăng ký khám bệnh và phát số tự động sử dụng căn cước công dân gắn chíp, nhận diện khuôn mặt tại Bệnh viện Đống Đa, đặt tại sảnh khoa Khám bệnh, sẽ giúp khắc phục hạn chế nêu trên. Theo đó, khi người bệnh lấy số khám bệnh, số thứ tự sẽ được máy kết nối vào khu đăng ký khám bệnh; chỉ bằng thao tác nhấn vào màn hình đơn giản, người bệnh có thể dễ dàng nhận số thứ tự vào làm thủ tục khám.

TS Nguyễn Đình Phúc – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đống Đa cho biết, việc sử dụng máy đăng ký khám bệnh và phát số tự động giúp người bệnh thuận tiện trong việc đăng ký khám bệnh, không phải xếp hàng chờ đợi, rút ngắn thời gian. Đồng thời, giúp các y bác sĩ chủ động tiếp nhận thông tin của người bệnh, theo dõi, truy cập lịch sử khám bệnh của bệnh nhân một cách nhanh chóng, dễ dàng, thuận tiện hơn.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết, Hà Nội là địa phương đầu tiên của cả nước triển khai thí điểm hồ sơ sức khỏe điện tử, sổ sức khỏe điện tử để phục vụ cho công tác quản lý, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe toàn dân trên địa bàn thành phố. Hiện nay, hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử đã tích hợp và lập được thông tin hành chính của hơn 7,7 triệu người dân.

Điểm tiếp đón tự động bằng face ID tại BVĐK Đức Giang
Điểm tiếp đón tự động bằng face ID tại BVĐK Đức Giang

Mới đây nhất, thành phố Hà Nội được Bộ Y tế, Bộ Công an chọn là địa phương đầu tiên triển khai thí điểm xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử, sổ sức khỏe điện tử gắn với Đề án 06 của Chính phủ. Hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử mang lại nhiều lợi ích cho người dân cũng như ngành Y tế.

Mặt khác, thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” và chỉ đạo của UBND thành phố, Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Tính đến ngày 13-11-2023, tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh của Hà Nội đã triển khai khám, chữa bệnh bằng căn cước công dân gắn chíp thay thế thẻ BHYT và đã tiếp đón 3.484.478 lượt khám, chữa bệnh bằng hình thức này.

Một sáng kiến khác trong chuyển đổi số của ngành y tế Thủ đô là đưa ra triển khai thí điểm mô hình “Bệnh viện chị - em”, với phương thức đi buồng ảo, tham gia cấp cứu nhờ kết nối trực tuyến, giúp các bệnh nhân nặng tại cơ sở được các bác sĩ tuyến trên hỗ trợ chuyên môn kịp thời. Từ tháng 9-2023, Sở Y tế Hà Nội triển khai thí điểm mô hình "Bệnh viện chị - em" giữa Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn với Bệnh viện đa khoa và Trung tâm Y tế huyện Ba Vì.

Hay về thanh toán không dùng tiền mặt, hiện đã có 60/71 đơn vị y tế của Hà Nội triển khai thanh toán viện phí không dùng tiền mặt (đạt tỉ lệ 84,5%). Khám, chữa bệnh sử dụng sinh trắc học, Kios tự phục vụ được triển khai tại BVĐK Hòe Nhai, BVĐK Đống Đa và BVĐK huyện Ba Vì…

Nằm trong top đầu về cải cách hành chính

Chiều 20-2-2024, UBND TP Hà Nội công bố kết quả chỉ số cải cách hành chính (CCHC) các sở, cơ quan tương đương sở và UBND các quận, huyện, thị xã năm 2023, trong đó Sở Y tế xếp thứ 6/22 với kết quả chỉ số CCHC đạt 93,21%, là đơn vị có giá trị điểm số tăng cao nhất với 12,20%.

Sở Y tế xếp thứ 6/22 với kết quả chỉ số CCHC của Hà Nội

Sở Y tế xếp thứ 6/22 với kết quả chỉ số CCHC của Hà Nội

Kết quả đó đến từ những nỗ lực của cả ngành. Trong năm 2023, Sở Y tế Hà Nội đã ban hành hơn 20 kế hoạch để triển khai thực hiện công tác CCHC. Sở Y tế cũng đã tổ chức nhiều cuộc họp với các sở ngành, cơ quan liên quan nhằm rút kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác CCHC.

Trên cơ sở đó, Sở Y tế Hà Nội đã rà soát 191 TTHC, bãi bỏ 4 TTHC lĩnh vực Dược – Mỹ phẩm thuộc chức năng quản lý nhà nước của Sở Y tế.

Đáng chú ý, Sở Y tế đã ban hành kế hoạch về thi đua sáng kiến, đề xuất giải pháp về CCHC năm 2023 phát động tới các đơn vị trong ngành. Kết quả có 03 sáng kiến của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, BVĐK Đức Giang có giá trị nhân rộng trong toàn ngành.

Năm 2023, Sở Y tế Hà Nội cũng đã trực tiếp kiểm tra về công tác CCHC tại 30 đơn vị và kiểm tra qua báo cáo đối với 48 đơn vị còn lại...

Theo TS Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, chuyển đổi số, CCHC không chỉ là sự phấn đấu thi đua để đạt thành tích, để được khen thưởng, mà ngành y tế nhận thức sâu sắc việc thực hiện chuyển đổi số và cải cách hành chính là những vấn đề “sống còn”, cần phải đi vào thực chất, mang lại những giá trị thiết thực.

Mục tiêu cuối cùng là người dân được thụ hưởng những dịch vụ y tế nhanh nhất, chất lượng nhất; phần thưởng lớn nhất, quan trọng nhất chính là sự hài lòng, là niềm tin của người dân.