Ngành điện và ngành thép: Không thể đổ lỗi cho nhau

(ANTĐ) - Giá điện chuẩn bị tăng thêm nhưng nguy cơ thiếu điện trong mùa khô năm nay vẫn hiển hiện. Ngành điện cho rằng một số ngành sản xuất trong nước như: thép, xi măng… tiêu thụ nhiều năng lượng do công nghệ lạc hậu và thu lãi lớn. Câu chuyện giữa thép và điện dường như chưa có hồi kết.

Ngành điện và ngành thép: Không thể đổ lỗi cho nhau

(ANTĐ) - Giá điện chuẩn bị tăng thêm nhưng nguy cơ thiếu điện trong mùa khô năm nay vẫn hiển hiện. Ngành điện cho rằng một số ngành sản xuất trong nước như: thép, xi măng… tiêu thụ nhiều năng lượng do công nghệ lạc hậu và thu lãi lớn. Câu chuyện giữa thép và điện dường như chưa có hồi kết.

Thép làng nghề tốn nhiều điện nhất

Thép và các ngành đều phải tiết kiệm điện (Ảnh minh họa)
Thép và các ngành đều phải tiết kiệm điện   (Ảnh minh họa)

Theo ông Nguyễn Tiến Nghi - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, tổng năng lượng tiêu hao cho một tấn thép thành phẩm khoảng 600-700kWh, tùy theo công nghệ. “Nếu giá điện trung bình 1.200 đồng/kWh và tiêu thụ điện năng ở mức tối đa 700 kWh thì sản xuất một tấn thép sẽ chi phí mất 840.000 đồng tiền điện.

 Hiện nay, giá phôi thép trong nước đang ở khoảng 14,5-14,7 triệu đồng/tấn; Chi phí cho sản xuất 1 tấn phôi khoảng 1,5-1,7 triệu đồng. Như vậy, giá thành sản phẩm thép khoảng 16-16,4 triệu đồng/tấn. Chi phí tiền điện chỉ chiếm từ 5,2-5,5% giá thành sản phẩm thép” - ông Nghi nhẩm tính. Cũng vì lý do này nên trong đợt tăng giá điện sắp tới, dù có bị ảnh hưởng, song tác động trực tiếp từ giá điện đến sản xuất thép không đáng lo ngại.

Theo ông Nguyễn Tiến Nghi, các lò điện trung tần tại hầu hết làng nghề mới tiêu tốn nhiều năng lượng bởi công nghệ này được nhập chủ yếu nhằm sản xuất thép hợp kim. Nhưng hiện tại, các lò này được sử dụng để sản xuất thép xây dựng nên tiêu tốn nhiều năng lượng.

“Thép hợp kim giá cao nên tiêu tốn nhiều điện có thể chấp nhận được. Nhưng thép xây dựng giá thấp nên tiêu tốn nhiều điện, dẫn đến khó cạnh tranh” - ông Nghi nói. Hiệp hội Thép cho rằng, lò luyện thép thủ công đang tồn tại ở nhiều địa phương trong cả nước như: Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Đà Nẵng, Lâm Đồng… và rất khó kiểm soát.

Một lập luận khác cho rằng, thép nội đang phải cạnh tranh với thép ngoại. Thế nên những doanh nghiệp sản xuất có công nghệ lạc hậu phải tự bị đào thải do chi phí cao, năng suất thấp; hoặc họ phải tự đổi mới công nghệ để tiêu hao ít năng lượng cũng như tiết kiệm nhiều chi phí đầu vào khác. Hơn nữa, ngành sản xuất nào trong nước cũng đang tồn tại những công nghệ cũ nên đổ lỗi cho thép hoang phí điện năng là không hợp lý!

Lãi không phải vì giá điện rẻ

Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, đã có ý kiến cho rằng, nhiều doanh nghiệp thép liên doanh đã tận dụng điện giá rẻ của Việt Nam để sản xuất, rồi “lấy lãi mang về nước, lãi của ngành thép rất lớn”. Không đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Tiến Nghi cho hay, năm 2010, Việt Nam chỉ xuất khẩu 162.000 tấn thép. Năm 2009, con số này là gần 100.000 tấn.

“Ngành thép đã có một số liên doanh nhỏ đi vào hoạt động như thép Việt - Úc, Việt - Nhật, SSE… nhưng sản phẩm chủ yếu phục vụ nhu cầu trong nước. Gần đây, thép Posco Việt Nam có công suất thiết kế 1,2 triệu tấn/năm đã đi vào hoạt động và năm 2010 đã sản xuất gần 1 triệu tấn. Những con số này chứng tỏ việc ngành thép tận dụng điện giá rẻ để sản xuất thu lãi lớn là không có căn cứ” - ông Nghi phân tích.

Được biết, ngành thép hiện có 4 liên doanh lớn là Tata, Fomusa, Quang Liên và Lion Group đều đang trong giai đoạn xin cấp phép hoặc giải phóng mặt bằng, chưa đi vào sản xuất nên không tiêu hao nhiều điện, cũng chưa có sản phẩm để xuất khẩu. “Người lãi lớn hiện nay chính là người kinh doanh, phân phối sản phẩm biết tận dụng cơ hội chứ không phải người sản xuất” - ông Nghi khẳng định.

Cũng theo ông Nguyễn Tiến Nghi, một số doanh nghiệp ngành thép vẫn khóc dở mếu dở vì phải trả nợ thêm hàng trăm triệu đồng do đợt điều chỉnh tỷ giá VND/USD vừa rồi. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa “thoát lỗ” sau đợt biến động giá lớn vào năm 2008, đầu năm giá tăng cao bất ngờ và cuối năm giá chỉ bằng hơn 1/3 đầu năm.

Câu chuyện thiếu điện, giá điện thấp, thiếu vốn đầu tư có rất nhiều nguyên nhân và không thể khắc phục trong một sớm một chiều. Việc ngành thép tiêu tốn nhiều năng lượng cũng không phải không có căn cứ. Tuy nhiên, mấu chốt để giải quyết bài toán thiếu điện không nằm ở việc “đổ lỗi” qua lại cho nhau mà ngành điện cần cố gắng đáp ứng đủ điện cho sản xuất và tiêu dùng trong nước. Ngành thép cũng như nhiều ngành sản xuất khác cần đẩy mạnh tiết kiệm điện, tránh sử dụng “vô tội vạ” nhằm chia sẻ việc thiếu điện với các ngành khác.

Vân Hằng