"Ngăn" không cho quan chức bố trí người thân vào những vị trí dễ tham nhũng

ANTD.VN - Theo dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), lãnh đạo các cơ quan, đơn vị không được bố trí anh, chị em của vợ (hoặc chồng) vào một số vị trí cụ thể trong đơn vị mình.

Phiên họp toàn thể của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho ý kiến vào dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)

Tiếp tục phiên họp toàn thể, chiều nay, 6-9, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã cho ý kiến vào dự thảo Luật phòng chống tham nhũng (sửa đổi). Trình bày dự thảo Luật này, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh cho biết,  Điểm đáng chú ý tại dự luật này là đã quy định cụ thể các trường hợp người thân của lãnh đạo để loại trừ việc quan chức “bố trí những người có quan hệ gia đình cùng làm một số công việc dễ xảy ra tham nhũng”.

Cụ thể, dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) quy định lãnh đạo của các cơ quan (gồm người đứng đầu hoặc cấp phó) không được tuyển dụng, bổ nhiệm vợ, chồng, con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể, bố đẻ, bố nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, bố chồng, mẹ chồng, bố vợ, mẹ vợ, anh ruột, chị ruột, em ruột, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu làm một số công việc như: tổ chức nhân sự, kế toán - tài vụ, làm thủ quỹ, thủ kho hoặc làm việc tại các vị trí có nguy cơ phát sinh tham nhũng...

Dự thảo Luật cũng yêu cầu cấp có thẩm quyền không bố trí một nhân sự nào đó làm lãnh đạo khi có người thân làm các công việc nêu trên. Ngoài ra, một nhân sự được dự kiến là lãnh đạo ở cơ quan nhà nước nhưng lại có người thân tham gia quản lý, thành viên góp vốn, thành viên hợp danh, cổ đông sở hữu từ 10% cổ phần trở lên trong doanh nghiệp hoặc kinh doanh trong lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước trực tiếp của cơ quan đó, thì nhân sự này sẽ không được bổ nhiệm.

Đặc biệt, dự thảo Luật quy định nhân sự được dự kiến bố trí là lãnh đạo nhưng có người thân làm việc và kinh doanh như nêu trên, thì phải có trách nhiệm báo cáo với tổ chức để tổ chức bố trí công tác khác cho mình.

Ngoài ra, dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) cũng đã được xây dựng theo hướng, người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập phải kê khai và kê khai bổ sung tài sản, thu nhập của mình, của vợ hoặc chồng và con chưa thành niên.

Về đối tượng kê khai, tại dự luật này đã có sự điều chỉnh lớn theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) đối với tất cả công chức khi được bổ nhiệm vào ngạch; viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý; cán bộ, công chức khi được bầu, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại…

Mặt khác, dự thảo luật cũng đã bỏ quy định về kê khai tài sản hàng năm và thay vào đó là kê khai lần đầu và kê khai bổ sung. Kê khai lần đầu được thực hiện với tất cả người có nghĩa vụ kê khai ngay sau khi Luật sửa đổi có hiệu lực. Kê khai bổ sung đối với người đã kê khai lần đầu được dự kiến bầu, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, cử làm đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp; khi có biến động về tài sản hoặc thu nhập có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên.