Ngân hàng Nhà nước bất ngờ giảm một loạt lãi suất điều hành

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ngân hàng Nhà nước tối muộn 31/3 đã ban hành các quyết định điều chỉnh giảm một loạt lãi suất điều hành.

Theo đó, tại Quyết định số 574/QĐ-NHNN, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã giảm lãi suất tái cấp vốn từ mức 6%/năm xuống 5,5%/năm.

Lãi suất tái chiết khấu giữ nguyên ở mức 3,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với TCTD giữ nguyên ở mức 6,0%/năm.

Tại Quyết định số 575/QĐ-NHNN, Ngân hàng Nhà nước cũng giảm lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng từ mức 1,0%/năm xuống còn 0,5%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 6,0%/năm xuống 5,5%/năm.

Riêng lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND tại Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô giảm từ 6,5%/năm xuống 6,0%/năm; lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do TCTD ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường.

Quyết định số 576/QĐ-NHNN, Ngân hàng Nhà nước cũng giảm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của TCTD đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế giảm từ 5,0%/năm xuống 4,5%/năm;

Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của Quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 6,0%/năm xuống 5,5%/năm.

Ngân hàng Nhà nước giảm một loạt lãi suất điều hành

Ngân hàng Nhà nước giảm một loạt lãi suất điều hành

Tại Quyết định số 577/QĐ-NHNN, lãi suất đối với tiền gửi bằng VND của Kho bạc Nhà nước, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam giảm từ 0,8%/năm xuống 0,5%/năm; lãi suất đối với tiền gửi bằng ngoại tệ của Kho bạc Nhà nước giữ ở mức 0%/năm.

Quyết định số 578/QĐ-NHNN, lãi suất đối với tiền gửi bằng VND của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô giảm từ 0,8%/năm xuống 0,5%/năm.

Các quyết định trên đều có hiệu lực từ ngày 03/4/2023. Và cũng chỉ trong vòng hơn nửa tháng, cơ quan quản lý đã có tới 2 lần giảm lãi suất liên tiếp.

Lý giải cho lần giảm lãi suất này, Ngân hàng Nhà nước cho biết, thời gian qua, triển vọng kinh tế toàn cầu còn nhiều bất định, lạm phát nhiều nước tiếp tục duy trì ở mức cao; tăng trưởng kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn, tăng trưởng Quý I thấp so với cùng kỳ nhiều năm;

Lạm phát trong nước được kiểm soát; thanh khoản của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD) dư thừa, đáp ứng nhu cầu thanh toán của nền kinh tế; đồng thời, các TCTD cũng đã nỗ lực tiết giảm chi phí, giảm mặt bằng lãi suất huy động.

Để tiếp tục thực hiện chủ trương của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giảm lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân, NHNN quyết định điều chỉnh các mức lãi suất nêu trên.

Đây có thể nói là lần giảm lãi suất điều hành đồng loạt được áp dụng với nhiều loại lãi suất nhất trong suốt nhiều năm trở lại đây. Động thái này cũng khá bất ngờ khi chỉ trước đó ít giờ, Ngân hàng Nhà nước tổ chức họp báo nhưng không tiết lộ gì về kế hoạch giảm lãi suất này.

Tại cuộc họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên về khả năng giảm lãi suất, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Nguyễn Chí Quang cho biết thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước luôn điều hành chỉ đạo hệ thống tiết giảm chi phí, tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay.

Trong bối cảnh kinh tế khá thuận lợi, lạm phát được kiểm soát, các ngân hàng trung ương lớn như FED giảm tốc thắt chặt tiền tệ sẽ là điều kiện thuận lợi cho Ngân hàng Nhà nước xem xét, có thể tiến tới giảm tiếp các mặt bằng lãi suất điều hành, kể cả mặt bằng lãi suất ngân hàng thương mại, như trần lãi suất huy động, trần lãi suất cho vay thời gian tới, khi điều kiện thị trường chín muồi.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng khẳng định, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục đồng hành, tháo gỡ những nút thắt vướng mắc để khơi thông dòng vốn tín dụng, kịp thời đáp ứng nhu cầu vốn của doanh nghiệp. Ngân hàng Nhà nước vẫn đang hướng đến mục tiêu giảm lãi suất để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, bên cạnh đó còn duy trì ổn định giá trị đồng tiền, cố gắng phấn đấu kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá.

“DN khó khăn có nhiều lý do như đơn hàng giảm, dòng tiền thiếu hụt… nhưng từ phía ngân hàng luôn có sự đồng hành, chia sẻ để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế”, ông Tú nói.

Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến nay đã có tối thiểu có 24 ngân hàng thương mại giảm lãi suất huy động để giảm lãi suất cho vay.