Ngân hàng ganh đua vì lợi nhuận

ANTĐ - Hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp đình trệ, hàng tồn kho chiếm tỷ trọng lớn, lãi suất huy động liên tục giảm là những nguyên nhân khiến hoạt động tín dụng của các ngân hàng trong 2 quý đầu năm khó tránh khỏi cảnh chợ chiều. Để đạt được mục tiêu lợi nhuận, ngoài việc đẩy mạnh các hoạt động giá trị gia tăng, mở rộng dịch vụ… nhiều ngân hàng còn chú trọng đến việc huy động và cho vay.

Các ngân hàng đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi cho khách hàng gửi tiền

Gom tiền bằng mọi giá

Kết thúc 6 tháng đầu năm, nhiều ngân hàng cho biết tăng trưởng tín dụng ở mức rất thấp, thậm chí có ngân hàng còn bị âm. Các ngân hàng lớn như Ngân hàng TMCP Ngoại Thương (Vietcombank) chỉ tăng trưởng 2,96%, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) và Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu (Eximbank) cũng chỉ tăng trưởng tín dụng chưa đến 1% sau 6 tháng. Trong khi đó hạn mức tăng trưởng của các ngân hàng này đều ở mức cao nhất là 17%. 

Chính vì vậy việc đẩy mạnh hoạt động tín dụng trong những tháng cuối năm là một trong những giải pháp chính nhằm thúc đẩy doanh thu và hoàn thành mục tiêu lợi nhuận đề ra. Theo các chuyên gia, nhiều ngân hàng tuyên bố đang thừa tiền, nhưng thực tế không hẳn như vậy. Để tăng trưởng tín dụng các ngân hàng phải có một nguồn tiền dồi dào, do đó việc tăng lãi suất huy động nhằm hút tiền từ khách gửi không phải là việc khó hiểu. Áp lực huy động vốn cũng được thể hiện qua việc nhiều ngân hàng giao chỉ tiêu cho từng nhân viên.

Từ đầu tháng 8, nhiều ngân hàng đã có công bố tăng lãi suất huy động đối với các kỳ hạn dài. Vietcombank đã chính thức điều chỉnh lãi suất huy động các kỳ hạn 24, 36, 48 và 60 tháng thêm 0,5% so với trước, lên mức 10%/năm. Các kỳ hạn dưới 12 tháng giữ nguyên tại 9% còn kỳ hạn đúng 12 tháng trong khi đó giảm 1% xuống còn 10%/năm. Tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), lãi suất các kỳ hạn trên 12 tháng được đẩy lên 12%/năm so với mức 10%/năm được áp dụng trước đó. Tại Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostbank) mức lãi suất  huy động đối với các khoản tiền gửi có kỳ hạn trên 3 năm là 12%/năm. Kỳ hạn trên 18 tháng là 11,5%/năm và trên 12 tháng là 11%/năm… Không chỉ tăng lãi suất, các ngân hàng còn đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi dành cho khách gửi tiền.

Nới điều kiện cho vay

Theo các doanh nghiệp, việc tiếp cận tín dụng tại các ngân hàng vẫn còn gặp khá nhiều khó khăn. Doanh nghiệp khó đáp ứng hết các tiêu chuẩn tín dụng nhất là trong thời điểm hàng tồn kho lớn, nợ cũ vẫn còn… Nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp, các ngân hàng đã đưa ra nhiều gói dịch vụ ưu đãi nhất là các doanh nghiệp kinh doanh liên quan tới nông nghiệp nông thôn, xuất nhập khẩu.

Nhiều ngân hàng cho biết, việc giảm tiêu chuẩn tín dụng là không thể, nhưng ngân hàng sẽ giảm lãi suất và hỗ trợ doanh nghiệp khó khăn có phương án kinh doanh tốt. Ông Nguyễn Phước Thanh - Tổng giám đốc VietcomBank nêu rõ quan điểm: “Doanh nghiệp nào còn có khả năng phục hồi thì được xem xét, còn khả năng ở đây nghĩa là doanh nghiệp đó chỉ gặp khó khăn về thị trường, về đầu ra của sản phẩm và nguồn trả nợ. Doanh nghiệp còn hàng tồn kho, sản phẩm vẫn tiêu thụ được thì cũng sẽ được giãn nợ để có thời gian giải quyết nguồn hàng, chứ không bị ép phải bán hàng bằng mọi giá, phải chịu lỗ nặng để có tiền trả nợ ngân hàng. Doanh nghiệp nếu không đáp ứng được chuẩn tín dụng thì sự can thiệp là không thể và không đem lại lợi ích…”.

Tuy nhiên, trên thị trường cũng đã có ngân hàng quyết định nới lỏng điều kiện cho vay. Ngân hàng Đông Á (DongA Bank) mới đây đã công bố một hình thức hạ chuẩn tín dụng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ với lãi suất 13%/năm, không cần tài sản đảm bảo. Theo đánh giá của các chuyên gia, việc hạ chuẩn tín dụng là một bước đi khá mạo hiểm, tuy nhiên đối với các doanh nghiệp thì đây lại là một tin mừng.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến 2-8 đã có 69 tổ chức tín dụng báo cáo về tình hình lãi vay. Theo đó, dư nợ cho vay bằng tiền đồng đối với các mức lãi suất dưới 10% chiếm tỷ trọng 3,4%, mức lãi suất 10%-13% một năm chiếm tỷ trọng 18,5%, lãi suất trên 13% đến 15% một năm chiếm tỷ trọng 49,1%. Lãi suất trên 15% một năm hiện chỉ chiếm tỷ trọng 29,1%, giảm khoảng 60% so với tỷ trọng trước ngày 15-7.