Ngân hàng chật vật thanh lý tài sản bảo đảm: Rao bán chục lần, giá bằng 1/10 khoản nợ nhưng vẫn ế

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Nhiều tài sản bảo đảm chủ yếu là bất động sản được các ngân hàng rao bán hàng chục lần, với giá khởi điểm chỉ bằng 1/2 đến 1/4, thậm chí 1/10 giá trị khoản nợ nhưng vẫn không có người mua.

Chật vật phát mại, hạ giá vẫn ế

VietinBank vừa thông báo đấu giá lần thứ 8 đối với tài sản bảo đảm cho khoản nợ của Công ty Cổ phần Xây dựng Công nghiệp.

Hiện doanh nghiệp này đang có dư nợ gần 570 tỷ đồng, trong đó nợ gốc là trên 327 tỷ đồng, còn lại là tiền lãi phát sinh. Tài sản bảo đảm cho khoản nợ là các quyền tài sản phát sinh từ các hợp đồng thi công công trình, quyền tài sản khác và 20 quyền sử dụng đất tại Đồng Nai.

Trong khi đó, giá khởi điểm cho tài sản bảo đảm theo thông báo lần này chỉ còn hơn 156,5 tỷ đồng, giảm hơn một nửa so với mức giá được đưa ra trong lần đấu giá đầu tiên vào tháng 7 vừa qua là hơn 327 tỷ đồng và chỉ bằng gần 1/4 so với dư nợ của doanh nghiệp.

Một tài sản bảo đảm khác mà VietinBank cũng phải phát mại với giá “lỗ chổng vó”, đó là tài sản bảo đảm cho khoản nợ của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thương mại Võ Thị Thu Hà, hầu hết là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất.

Tổng giá trị khoản nợ tạm tính đến hết ngày 31/10/2023 là gần 1.500 tỷ đồng (nợ gốc hơn 567 tỷ đồng) nhưng VietinBank đưa ra giá khởi điểm bán đấu giá của khoản nợ này chỉ 142 tỷ đồng, tương đương chưa đầy 10% giá trị khoản nợ.

Đáng nói, khoản nợ của Công ty Võ Thị Thu Hà đã được VietinBank rao bán suốt từ năm 2019 đến nay nhưng vẫn chưa thể xử lý.

Tương tự, tài sản bảo đảm một khoản nợ khác của Công ty Cổ phần Phúc Đạt là hệ nhà xưởng, máy móc, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất tại tỉnh Hải Dương, cũng vừa được VietinBank rao bán tới lần thứ 17.

Giá trị khoản nợ là 161,5 tỷ đồng (nợ gốc hơn 105 tỷ đồng), nhưng giá khởi điểm tài sản bảo đảm chỉ còn hơn 53 tỷ đồng, giảm gần một nửa so với giá khởi điểm theo thông báo lần đầu là hơn 105 tỷ đồng.

Một thông báo khác liên quan đến tài sản bảo đảm cho khoản nợ của Công ty TNHH Thắng Thảo, là quyền sử dụng đất của 5 thửa đất tại Hải Dương với giá trị khoản nợ tạm tính là trên 30 tỷ đồng (nợ gốc 12,6 tỷ đồng). Sau 7 lần đăng thông báo, giá khởi điểm tài sản này đã giảm từ gần 15 tỷ đồng xuống chỉ còn 11 tỷ đồng, tương đương chỉ hơn 1/3 dư nợ của doanh nghiệp trên.

Nhiều tài sản bảo đảm được ngân hàng thanh lý với giá thấp hơn nhiều so với dư nợ

Nhiều tài sản bảo đảm được ngân hàng thanh lý với giá thấp hơn nhiều so với dư nợ

Tương tự, một ngân hàng big4 khác là BIDV cũng chật vật rao bán nhiều tài sản bảo đảm nhiều lần vẫn không tìm được người mua. Đơn cử như 4 quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại Quy Nhơn của Công ty Thành Vinh được ngân hàng đăng thông báo đấu giá đến lần thứ 16.

Tương tự, tài sản bảo đảm là toàn bộ tài sản còn lại hình thành từ dự án Nhà máy sản xuất gạch ngói không nung Phú Hưng Long (Hà Tĩnh) được thông báo đấu giá đến nay là 17 lần. Rất nhiều tài sản bảo đảm khác chủ yếu là quyền sử dụng đất cũng được BIDV liên tục phát mại cả chục lần nhưng vẫn bất thành.

Ngân hàng “khóc ròng” vì bất động sản đóng băng

Theo thống kê, hiện nay tổng trị giá bất động sản thế chấp tại các ngân hàng chiếm khoảng 70% tổng tài sản đảm bảo cho các khoản vay, thậm chí tỷ lệ này tại một vài nhà băng lên đến 80-90%. Do đó bất động sản thường là tài sản được các ngân hàng đem ra phát mãi nhiều nhất.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cũng thừa nhận, việc thanh lý tài sản trong thời gian vừa qua rất khó khăn. Nhiều tài sản đảm bảo là bất động sản trị giá lớn khó thanh lý do thị trường nhà đất gần như đóng băng.

Một lý do nữa khiến cho việc thanh lý tài sản của ngân hàng gặp khó là vì định giá phát mại tài sản nhiều khi không theo giá thị trường mà thường được tính gộp gốc và lãi, mỗi lần đăng phát mại lại chỉ chiết khấu từ 5-10%, do đó có tài sản đấu giá trên 2 năm mới bán được.

Với các ngân hàng có vốn Nhà nước, việc thanh lý tài sản bảo đảm còn khó khăn hơn, do Bộ Tài chính chưa có văn bản hướng dẫn cách thức thẩm định giá khoản nợ, gây nhiều khó khăn và tiềm ẩn rủi ro. Bởi trong thời kỳ suy giảm của thị trường bất động sản, nhiều trường hợp giá trị tài sản xuống thấp hơn dư nợ gốc khiến ngân hàng e ngại khi ra quyết định phát mại tài sản vì sợ thất thoát vốn vay sau khi thu hồi nợ.

Việc khó khăn trong phát mại tài sản bảo đảm cũng là một trong những nguyên nhân khiến nợ xấu các ngân hàng ngày càng tăng. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn hệ thống tính tới cuối tháng 7/2023 là 3,56%, gấp đôi so với con số 1,69% vào cuối năm 2020; tỷ lệ nợ xấu nội bảng cộng với nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu của toàn hệ thống các TCTD là 6,16%.

Giới chuyên môn nhận định tình hình nợ xấu của các ngân hàng hiện nay là rất đáng lo, nhất là sau khi Thông tư 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu nợ, giãn hoãn nợ hết hiệu lực có thể khiến con số nợ xấu còn nghiêm trọng hơn so với số liệu nêu trên.