Ngăn cơn “bão giá”

(ANTĐ) - Cơn bão số 2 chỉ “trườn” theo dọc bờ biển miền Trung mà đã gây thiệt hại lớn về người và của cho một số tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Cơn “bão giá” ở trong đất liền đang tác động và ảnh hưởng tới mọi “ngóc ngách” đời sống kinh tế - xã hội.

Ngăn cơn “bão giá”

(ANTĐ) - Cơn bão số 2 chỉ “trườn” theo dọc bờ biển miền Trung mà đã gây thiệt hại lớn về người và của cho một số tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Cơn “bão giá” ở trong đất liền đang tác động và ảnh hưởng tới mọi “ngóc ngách” đời sống kinh tế - xã hội.

Chỉ trong 7 tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng đã tăng vọt lên 6,19%. Đây chưa phải đỉnh cao của cơn “bão giá”. Ai có thể bàng quan nói rằng giá cả vẫn nằm trong tầm kiểm soát? Một số chuyên gia “đổ lỗi” do giá cả thế giới tăng, rồi thiên tai, dịch bệnh. Cái “lỗi” muôn thuở ấy chỉ là một phần nhỏ. Thử hỏi, nhiều nước trong khu vực cũng phải chịu chung ảnh hưởng đó nhưng vì sao giá cả của họ vẫn bình thường, ổn định?

“Bão giá” không phải ngẫu nhiên nổi lên. Nó đã được “tích gió” từ rất lâu ngay trong chính sách tiền tệ - tài chính. Một chuyên gia “lão làng” về thị trường giá cả nhận định: nếu chính sách này hợp lý và linh hoạt thì có thể khống chế được lạm phát. Thế nhưng ta vẫn trong vòng luẩn quẩn không gỡ ra được.

Để chống lạm phát phải thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng dự trữ bắt buộc, tăng lãi suất tiền gửi ngân hàng. Mâu thuẫn là tăng lãi suất tiền gửi thì cũng phải tăng lãi suất tiền vay, kéo theo chi phí sản xuất của doanh nghiệp tăng. Chi phí tăng đương nhiên giá cả cũng phải tăng. Hậu quả là người dân lĩnh đủ. Nước ta đã hội nhập thế giới, giá cả trong nước và giá cả thị trường quốc tế “thông nhau” thì việc gắn giá với thuế là điều hết sức  hợp lý.

Dẫu vậy, nếu chỉ sử dụng “vũ khí” giảm thuế một loạt hàng nhập khẩu nhằm ngăn chặn cơn “bão giá” đang hoành hành thì chắc chắn không mang lại hiệu quả lớn, thậm chí có khi còn tác dụng ngược. Bởi giảm thuế có thể sẽ ảnh hưởng đến thu ngân sách, làm tăng tỷ lệ nhập siêu.

Câu hỏi đặt ra là, khi giảm thuế lấy cái gì để bảo đảm các doanh nghiệp trong nước sẽ giảm giá sản phẩm. Nếu giảm thuế các mặt hàng mà Nhà nước quản lý thì có thể kiểm soát được giá bán sau đó của doanh nghiệp. Vậy còn những mặt hàng mà Nhà nước không quản lý như sữa, thịt, sắt, thép...? Nếu giảm thuế mà không kiểm soát nổi, thì nguy cơ nguồn thuế giảm đó sẽ “chảy” vào túi của một số doanh nghiệp, còn người tiêu dùng vẫn phải è cổ mua hàng giá cao. Giảm thuế chỉ có tác dụng là liều thuốc “hạ sốt” tức thì.

Giải pháp nào để ngăn chặn cơn “bão giá” có thể ngày càng mạnh lên với tốc độ 2 con số (10%) như nhiều chuyên gia đã cảnh báo? Tình trạng “té nước” theo giá vẫn xảy ra ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh: tăng giá sữa, tăng giá nước sinh hoạt, thậm chí tăng cả giá vé gửi xe. Kêu gọi ý thức, lương tâm trong lúc “bão giá” này chẳng khác gì tiếng kêu yếu ớt bạt gió. Vấn đề cấp bách là phải kiểm soát, phân biệt cho được: đâu là mặt hàng giảm thuế, đâu là mặt hàng không giảm thuế? Từ đó mới kiểm soát chặt chẽ giá bán, đồng thời phải kiểm soát chi phí sản xuất của doanh nghiệp. Nếu giảm thuế mà chi phí vẫn tăng, hàng hóa tăng giá, thì “lá chắn” thuế mỏng manh, làm sao có thể ngăn chặn được cơn “bão giá”!

Đan Thanh