Ngẫm chuyện anh "Ngọng" gác chắn tàu

ANTĐ - Lạ thay, anh là người vô thức, chẳng biết mình là ai nhưng lại biết việc mình đang làm là cần thiết.

Người dân ở đoạn này (đoạn đường ngang tại thị xã Phủ Lý, Hà Nam) thường đùa khi ai đó hỏi đến người đàn ông “không bình thường” rằng: “ngành đường sắt nên phong tặng cho anh bằng khen vì “sự nghiệp" bảo vệ cho những chuyến tàu an toàn”.

Ang "Ngọng" gác tầu, sống bằng cơm "tình thương" của bà con xung quanh

Thực ra, anh cũng chẳng cần, mà cũng chẳng biết cái tấm bằng khen ấy là gì, nếu có. Đến tên mình anh còn chẳng biết, quê mình, nhà mình ở đâu anh còn chẳng biết nữa thì nói gì đến những điều phù phiếm ấy. Họ gọi anh là anh “ngọng”. Sở dĩ anh có tên thế là vì hỏi anh chỉ cười và ấp úng không nói được tên.

Chẳng ai bảo, nhưng anh cứ bám trụ ở đoạn đường ngang này đến gần chục năm rồi. Ngày đầu về còn có anh bạn cùng cảnh ngộ, cũng không nói không rằng. Rồi cùng ở với nhau trong “bốt” chắn tầu bở hoang ở đây được vài năm. Cách đây khoảng 3 năm, người dân thấy chỉ còn một mình anh, người bạn đi đâu không ai rõ, anh cũng chẳng biết.


Thường thì anh tha thẩn chơi, nhưng khi tầu tu sắp ngang qua thì anh làm "tiêu" chắn

Giờ vẫn thế, việc làm của anh có ai “chỉ đạo” bảo đâu mà anh vẫn biết, và làm rất tận tình. Điều làm cho người ta “tôn vinh” anh bởi “thâm niên” gác tầu tại điểm này có đến cả chục năm. Lạ thay, anh chẳng biết mình là ai, nhưng tính bản thiện trong anh vẫn mạnh mẽ, biết tầu ngang qua là nguy hiểm cho người khác. Nếu vượt đường ngang sẽ bị tầu cán…

Anh không nói, nhưng hàng ngày anh vẫn làm thế. Khi tiếng còi tầu tu tu là anh chạy ra, cầm cành cây hay vỏ hộp làm tín hiệu cho người bên đường. Rồi mỗi khi tầu đi qua, người nào chở hàng nặng, khó vượt qua ray, anh ra sức ủn giúp. Nhiệt tình quá, có khi ủn ngang xe mà ngã chổng kềnh cả người và xe, rồi cười như lắc lẻ, mặt đỏ gay dựng xe giúp “nạn nhân” ủn cho bằng qua thì thôi.

Anh "Ngọng" không phải báo cáo kết quả "công tác" cho "sếp" nào
cả nhưng sự nhiệt tình thì người có thừa

Câu chuyện về ý thức kém của người tham gia giao thông, cứ ra rả trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên băng rôn đỏ choét dán trên thành những tàu vụt ngang qua. Mọi người hiểu còn anh chả hiểu trên đó người ta nói gì. Nhưng làm thì sát nghĩa và thiết thực hơn những câu chữ dán trên những toa tầu, và chấp hành hơn những người biết chữ.