Nga và Crimea ký “Hiệp ước Thống nhất” mang tính lịch sử

ANTĐ - Tối 18-3, Tổng thống Nga Vladimir Putin và các nhà lãnh đạo nhà nước Cộng hòa tự trị Crimea đã ký một hiệp ước lịch sử về việc thống nhất khu vực ly khai của Ukraine vào Nga sau 60 năm trực thuộc Ukraine. Dự kiến, Quốc hội Nga ​​sẽ ngay lập tức phê chuẩn hiệp ước này.

Tổng thống Putin đã ký hiệp ước này với Thủ tướng Crimea Sergei Aksyonov và Chủ tịch hội đồng nhà nước Crimea Vladimir Konstantinov cùng các nhà lãnh đạo Crimea khác, ngay sau bài phát biểu trước cả hai viện của quốc hội, cùng người đứng đầu các khu vực và các đại diện của các tổ chức xã hội của Nga, tại một phiên họp đặc biệt ở Điện Kremlin.

Hôm 17-3, Tổng thống Putin cũng đã ký một sắc lệnh công nhận Crimea là một quốc gia độc lập, sau một cuộc trưng cầu dân ý hôm 16-03, trong đó đa số người dân bán đảo này ủng hộ việc ly khai khỏi Ukraine và thống nhất với Nga.

Trong bài phát biểu liên tục bị ngắt quãng bởi những tràng vỗ tay lớn, Tổng thống Nga đã lí giải cho quyết định bảo vệ Crimea của Moscow, ông cho rằng nếu Nga không hành động sẽ bị coi là “một hành động bội tín”.

Tổng thống Putin dõng dạc tuyên bố: "Nhân dân Crimea và Sevastopol quay sang Nga với một yêu cầu bảo vệ quyền lợi và cuộc sống của họ. Chúng tôi không thể bác bỏ lời thỉnh cầu và bỏ rơi nhân dân Crimea với ý nguyện tha thiết và chính đáng của họ".

Nga và Crimea ký “Hiệp ước Thống nhất” mang tính lịch sử ảnh 1

Các nhà lãnh đạo Nga và Crimea trong lễ ký “Hiệp định thống nhất”


Ông cũng khẳng định, cuộc trưng cầu dân ý vừa diễn ra ở Crimea là sự kiện mang tính lịch sử, là một bước ngoặt về chính trị - xã hội của cả Crimea và Nga. Đồng thời, ông cũng chỉ trích các nhà lãnh đạo Liên Xô và cá nhân nhà lãnh đạo Khrushev (người Ukraine) đã chuyển giao cho Ukraine khu vực Crimea và Sevastopol.

Tổng thống Putin đã gọi “món quà này” là “một sai lầm” và cho rằng bán đảo nằm bên bờ biển Đen vẫn luôn luôn là một phần không thể tách rời của dân tộc Nga, là một phần máu thịt của nước Nga và vẫn luôn hiện diện trong những trái tim và khối óc Nga. Ông còn cho rằng, nhiều người đã hi vọng các nước SNG sẽ lại là một quốc gia, nhưng đến nay, tất cả mới chỉ là những lời hứa.

Nhà lãnh đạo tối cao của nước Nga đã chỉ trích phương Tây về chính sách kiềm chế đối với Moscow, mà ông cho là đã được thực hiện trong toàn bộ lịch sử, đặc biệt là trong thời kỳ “chiến tranh Lạnh” đối với Liên Xô và hiện vẫn đang tiếp diễn, không hề có dấu hiệu giảm đi, thậm chí còn tăng lên đối với Nga.

Về cáo buộc của phương Tây, ông Putin nói: “Họ nói rằng Nga vi phạm các điều khoản của luật pháp quốc tế. Nhưng Nga vẫn chưa dùng đến quân đội, các lực lượng vũ trang của nước Nga vẫn ở nguyên tại chỗ. Đúng là chúng ta đã tăng cường các nhóm chiến đấu, nhưng vẫn chưa vượt quá tổng số 25.000 người” theo Hiệp định đồn trú của Hạm đội biển Đen.

Nga và Crimea ký “Hiệp ước Thống nhất” mang tính lịch sử ảnh 2

Nhân dân Crimea đổ ra đường ăn mừng sau cuộc trưng cầu dân ý hôm 16-03

Ông tố cáo các đối tác phương Tây của Nga đã vượt quá giới hạn khi giải quyết những sự vụ tại Ukraine.

Về phía Ukraine, Tổng thống Putin cho rằng, Kiev không được coi là chính quyền hợp pháp, mọi việc đều không được kiểm soát, những gì mà họ cho là được kiểm soát thì đang nằm dưới bàn tay của những kẻ cực đoan, những kẻ “cướp chính quyền bằng bạo lực, dựng dân chủ trên đầu mũi súng”.

Theo ông, những hành động của nước cộng hòa Crimea hiện nay cũng tương tự như việc Ukraine tuyên bố độc lập, tách khỏi Liên bang Xô viết vào năm 1991. Thế nhưng, trước đây sao không có ai bao vây, cấm vận Ukraine? Hiện nay, ai là kẻ hậu thuẫn cho Kiev và phản đối nguyện vọng tha thiết của nhân dân Crimea?

Điện Kremlin cho rằng, Crimea và thành phố Sevastopol sẽ được coi là lãnh thổ của Nga từ ngày 18-3 và quá trình chuyển tiếp cho khu vực ly khai này hoàn toàn sáp nhập vào Nga sẽ kéo dài đến năm 2015. Crimea sẽ có 3 ngôn ngữ chính là “tiếng Nga, tiếng Ukraine và tiếng Crimea Tatar”.