Nga tự tin không cần triển khai tên lửa chiến lược đến Crimea

ANTĐ - Ngày 16-12, Tư lệnh lực lượng tên lửa chiến lược Nga Sergei Karakayev cho biết, nước này không có kế hoạch triển khai các đơn vị của Lực lượng tên lửa chiến lược đến bán đảo Crimea.

Đại tướng Sergei Karakayev cho rằng: “Nga không có kế hoạch triển khai các đơn vị lực lượng tên lửa chiến lược đến Crimea, vì không cần thiết. Các tên lửa đạn đạo tầm xa hiện nay đều có thể tấn công đến bất cứ mục tiêu nào trên thế giới mà không cần phải đưa chúng đến các khu vực biên giới của Nga”.

Tư lệnh lực lượng tên lửa chiến lược cho rằng, những loại tên lửa chiến lược này được triển khai sâu bên trong lãnh thổ của Nga, nhưng vẫn có khả năng bảo vệ nước Nga chống lại các cuộc tấn công của đối phương.

Nga sẽ không triển khai tên lửa đạn đạo chiến lược tới Crimea

Trong bài phát biểu hồi tháng 9-2014, sau khi triển khai nhiều máy bay chiến đấu Sukhoi Su-30 tới một căn cứ không quân ở Sevastopol, Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu cho rằng, cuộc khủng hoảng leo thang tại nước láng giềng Ukraine và sự hiện diện quân sự ngày càng gia tăng của quân đội các nước NATO giáp biên giới Nga, đòi hỏi nước này cần phải tăng cường khả năng phòng thủ bán đảo vừa được sáp nhập từ Ukraine này.

Ngoài việc triển khai hàng chục máy bay chiến đấu đến đồn trú tại Crimea, Nga cũng đã bắt đầu củng cố các cơ sở hạ tầng tại các căn cứ hải quân ở đây để sẵn sàng đón tiếp 6 chiếc tàu ngầm Kilo đang được đóng cho Hạm đội biển Đen. Vừa qua, các nguồn tin NATO và Ukraine còn cho rằng, Nga đã triển khai các hệ thống tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander tới bán đảo này.

Nhưng đó là những loại vũ khí chiến thuật, chỉ có khả năng phòng thủ và tấn công tầm gần, còn với tầm bắn thậm chí lên tới hơn 10.000km, các tên lửa tiến công chiến lược của Nga chỉ cần bố trí bên trong lãnh thổ nước này cũng có thể tấn công tới mọi mục tiêu trên trái đất.

Sau Crimea sáp nhập vào Nga, NATO đã tăng cường các phi vụ tuần tra trên bầu trời khu vực Baltic và triển khai nhiều tàu chiến tới biển Đen nhằm răn đe Nga. Moscow đã nhiều lần chỉ trích sự hiện diện quân sự ngày càng gia tăng của NATO, với việc Tổng thống Vladimir Putin cho rằng cuộc khủng hoảng Ukraine đã được NATO sử dụng như là cái cớ để gia tăng các hoạt động quân sự chống lại Nga.