Nga tìm thấy cơ hội trong đàm phán hạt nhân với Iran

ANTĐ - Hôm 12-11, Ryabkov - một nhà ngoại giao cấp cao của Nga đã bày tỏ sự lạc quan rằng một thỏa thuận về kiềm chế chương trình hạt nhân của Iran có thể đạt được trong tháng này giữa các cường quốc thế giới và Tehran, bất chấp "những khoảng trống sâu sắc" trong vấn đề này.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết, Nga đã đồng ý xây dựng 8 lò phản ứng hạt nhân mới ở Iran hôm 11-11 và tiếp tục làm tất cả những gì có thể để đảm bảo cho phương Tây thấy rằng Tehran không có ý định chế tạo vũ khí hạt nhân.

6 cường quốc, bao gồm 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Đức đã ký kết một hợp đồng với Iran, cho phép phương Tây nới lỏng các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Tehran. Tuy nhiên, hợp đồng này sẽ hết hạn vào ngày 24-11 tới đây.

Ông Ryabkov, người đã có mặt tại các cuộc đàm phán mới nhất ở Muscat, thủ đô Oman trong tuần này cho biết: "Chúng tôi không nhìn vào khả năng thất bại của thỏa thuận 24-11, quan trọng là chúng tôi đang tập trung vào nhiệm vụ trước mắt, bởi đó là một cơ hội không hề nhỏ”.

Đàm phán hạt nhân Iran kết thúc mà không có kết quả nào đạt được

Nga có mối quan hệ truyền thống với Iran “ấm” hơn so với các cường quốc khác, khi nói rằng chương trình hạt nhân của Tehran vì mục đích hòa bình. Nga có liên quan chặt chẽ trong việc phát triển chương trình năng lượng hạt nhân của Iran, sau khi nước này mở một máy phát điện tại Bushehr.

Tuy nhiên, phương Tây lại e ngại việc Tehran sẽ tinh chỉnh uranium một cách nhanh chóng để mở đường cho việc sản xuất vũ khí. Phía Iran xác nhận họ đã thử nghiệm một máy ly tâm mới có thể tăng tốc độ làm giàu uranium, nhưng bác bỏ ý kiến cho rằng hành động này vi phạm thỏa thuận ký kết năm ngoái với các cường quốc. Thỏa thuận đó nói rằng Tehran có thể tiếp tục nghiên cứu phát triển khả năng làm giàu uranium nhưng không nên mở rộng chúng.

Mặc dù lạc quan nhưng ông Rabkov thừa nhận các cuộc đàm phán tại thủ đô của Oman đã không có bước đột phá nào. "Những trở ngại chính là sự bất lực của tất cả các bên để xây dựng “cây cầu qua các khoảng trống” vẫn còn sâu sắc về các vấn đề hạt nhân và trừng phạt", ông Ryabkov nói.