Nga sẽ phóng 2 tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm Bulava

ANTĐ - Ngày 2-6, Bộ Quốc phòng Nga cho biết, nước này sẽ phóng thử 2 quả lên lửa đạn đạo liên lục địa từ tàu ngầm Bulava vào cuối năm nay, trong đó có một quả được phóng từ tàu ngầm chiến lược lớp Borey.

Thứ trưởng Quốc phòng Yury Borisov cho biết: “Sẽ có 2 vụ phóng thử tên lửa đạn đạo Bulava vào mùa thu tới, quả thứ nhất sẽ được phóng vào tháng 9 từ chiếc tàu ngầm Vladimir Monomakh trong khuôn khổ các cuộc thử nghiệm của tàu, và quả tên lửa thứ 2 dự kiến sẽ phóng vào tháng 11".

Số vụ phóng thử tên lửa đạn đạo Bulava còn lại dự kiến sẽ được tiến hành trong năm 2015. Các tên lửa Bulava này sẽ được phóng từ các tàu ngầm chiến lược thuộc Hạm đội phương Bắc và Hạm đội Thái Bình Dương.

Bulava là loại tên lửa đạn đạo liên lục địa hiện đại. Được trang bị 10 đầu đạn dẫn hướng độc lập với tầm bắn lên đến 9.000km, loại tên lửa này thậm chí có thể chống đỡ được cả các vụ tấn công hạt nhân.

Nga sẽ phóng 2 tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm Bulava  ảnh 1
Một vụ phóng thử tên lửa Bulava

Các vụ phóng thử loại tên lửa này trước đó đã gặp phải một số trục trặc. Hồi tháng 9 năm ngoái, trong các đợt chạy thử cấp nhà nước của tàu ngầm hạt nhân Aleksander Nevsky, một quả tên lửa Bulava đã được phóng thử nhưng đã không thành công. Sau sự cố này, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu đã ra lệnh tiến hành thêm 5 vụ phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa Bulava nữa.

Với thất bại này, 8 trong tổng số 20 vụ phóng thử tên lửa Bulava đã chính thức được tuyên bố là không thành công. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng trong thực tế số lượng các vụ thử thất bại còn cao hơn nhiều.

Là sản phẩm của Viện Nhiệt hóa Moscow và tổng công trình sư Yury Solomonov, nơi phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa Topol-M và Yars, Bulava được thiết kế từ cuối thập kỷ 1990 để thay thế tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm sử dụng nhiên liệu rắn R-39 Rif, trang bị trên tàu ngầm nguyên tử lớp Typhoon.

Mặc dù nhiều vụ phóng thử thất bại trước đó chính thức được cho là do lỗi của nhà sản xuất, nhưng quân đội Nga đã khẳng định rằng không có sự thay thế nào đối với tên lửa Bulava.