Nga nối lại thỏa thuận ngũ cốc Ukraine, sẵn sàng cung cấp lương thực cho các nước nghèo

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Việc Nga nối lại thỏa thuận ngũ cốc Ukraine và sẵn sàng cung cấp miễn phí một lượng ngũ cốc đáng kể cho các nước nghèo nhất đang tạo tín hiệu tích cực trong bối cảnh thế giới đứng trước nguy cơ khủng hoảng lương thực.
Nga cho biết sẵn sàng cung cấp 500 nghìn tấn lương thực miễn phí cho các nước nghèo nhất

Nga cho biết sẵn sàng cung cấp 500 nghìn tấn lương thực miễn phí cho các nước nghèo nhất

Ngũ cốc của Ukraine tiếp tục được xuất khẩu qua hành lang an toàn

Hôm 2-11, Bộ Quốc phòng Nga xác nhận nối lại hành lang xuất khẩu ngũ cốc Ukraine. Trước đó, hôm 29-10, Nga tuyên bố đình chỉ thực thi thỏa thuận ngũ cốc với cáo buộc Ukraine tập kích cảng Sevastopol trên bán đảo Crimea và đe dọa các chiến hạm thuộc Hạm đội Biển Đen tham gia đảm bảo an ninh hành lang ngũ cốc. Liên quan đến sự kiện này, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố chỉ có thể xem xét nối lại thỏa thuận sau khi hoàn tất điều tra các cuộc tấn công vào bán đảo Crimea và nhận được “đảm bảo thực sự từ Ukraine” về tuân thủ nghiêm ngặt các quy định, đặc biệt là không sử dụng hành lang nhân đạo cho mục đích quân sự.

Với sự trợ giúp từ Thổ Nhĩ Kỳ cùng Liên hợp quốc (LHQ), Ukraine đã đảm bảo bằng văn bản rằng sẽ “không sử dụng hành lang nhân đạo cùng các cảng, vốn được chỉ định để xuất khẩu nông sản, phục vụ cho các hoạt động quân sự chống lại Nga”. Văn bản đảm bảo đã được Ukraine nộp lên Trung tâm Điều phối chung (JCC). Thông báo của Bộ Quốc phòng Nga nêu rõ: “Phía Ukraine đã đảm bảo rằng, hành lang nhân đạo trên biển sẽ chỉ được sử dụng phù hợp với các quy định của Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen và quy định liên quan đến JCC. Nga tin rằng, những đảm bảo này là đầy đủ và tiếp tục thực hiện thỏa thuận”.

Cuối tháng 7-2022, Nga và Ukraine đã ký với LHQ và Thổ Nhĩ Kỳ thỏa thuận Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen nhằm giải quyết vấn đề cung cấp lương thực và phân bón ra thị trường toàn cầu. Thỏa thuận này cho phép xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine qua Biển Đen trong vòng 120 ngày, tức đến ngày 19-11 nhằm góp phần ngăn chặn cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu do xung đột Nga - Ukraine gây ra. Theo thỏa thuận ngũ cốc, Trung tâm Điều phối chung (JCC) được thành lập tại Istanbul, bao gồm các đại diện cấp cao từ Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine và LHQ. Các tàu đến bốc hàng cần trải qua quá trình kiểm tra ngoài khơi Istanbul để đảm bảo không mang vũ khí, sau đó đi qua hành lang an toàn được JCC thiết lập đến các cảng Chornomorsk, Odessa và Yuzhny của Ukraine. Trong hành trình rời đi, các tàu lại được kiểm tra ở ngoài khơi Istanbul. Tính đến nay, hơn 9,5 triệu tấn ngô, lúa mì, các sản phẩm từ hướng dương, lúa mạch, hạt cải dầu và đậu nành đã được xuất khẩu thông qua các cảng của Ukraine.

Cùng với việc nối lại thỏa thuận ngũ cốc Ukraine, Nga còn sẵn sàng cung cấp miễn phí một lượng ngũ cốc đáng kể cho các nước nghèo nhất trên thế giới. Thông tin này được Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết trong cuộc điện đàm với Tổng thống Indonesia Joko Widodo hôm 2-11. Còn theo Bộ trưởng Nông nghiệp Nga Dmitry Patrushev, Nga sẵn sàng cung cấp tới 500 nghìn tấn ngũ cốc cho các nước nghèo nhất trong 4 tháng tới, với sự trợ giúp của Thổ Nhĩ Kỳ.

Nga và Ukraine là những nước sản xuất ngũ cốc hàng đầu của thế giới, chiếm khoảng 30% sản lượng lúa mì và 17% sản lượng ngô xuất khẩu, 32% lúa mạch và 75% dầu hướng dương. Trong năm 2021, các nhà nhập khẩu ngũ cốc chính của Nga là Thổ Nhĩ Kỳ (2,4 tỷ USD), Ai Cập (1,6 tỷ USD), Saudi Arabia (421,5 triệu USD). Ngoài ra, Nga cũng cung cấp ngũ cốc cho Azerbaijan, Nigeria, Libya, Kazakhstan và Latvia. Trong khi đó, Ukraine xuất khẩu ngũ cốc sang Trung Quốc (2,55 tỷ USD), Ai Cập (1,39 tỷ USD), Thổ Nhĩ Kỳ (918 triệu USD), Indonesia (750 triệu USD), Tây Ban Nha (645 triệu USD). Hà Lan và Iran mua ngũ cốc Ukraine với giá 500 triệu USD. Pakistan, Libya và Tunisia mua ít hơn một chút.

Cần phải quan tâm hơn vấn đề an ninh lương thực

Quyết định nối lại thỏa thuận ngũ cốc và viện trợ lương thực cho các nước nghèo của Nga gây sự quan tâm của dư luận bởi thế giới đang đứng trước nguy cơ bùng nổ nạn đói bởi hậu quả của đại dịch Covid-19 và xung đột Nga - Ukraine.

Hai năm trước, Giám đốc Chương trình Lương thực thế giới (WFP) David Beasley từng cảnh báo khoảng 270 triệu người trên toàn thế giới đứng trên bờ vực của nạn đói do đại dịch Covid-19. Theo con số thống kê, năm 2020, khoảng 811 triệu người bị suy dinh dưỡng, cao hơn 161 triệu người so với năm 2019. Nam Sudan, Ethiopia, Afghanistan, Venezuela và Syria là những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Năm 2021, số liệu thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, gần 700 triệu người, tương đương 9% dân số thế giới, trong đó gần 2/3 là ở cận Sahara châu Phi, sống dưới mức 1,90 USD/ngày (mức đặc biệt đói nghèo theo định nghĩa của WB).

Hiện chưa có dữ liệu tổng quát về năm 2022 nhưng những dự báo đều mang tính báo động. LHQ tuyên bố rằng, do chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine, một số quốc gia đang đứng trước nguy cơ thảm họa thiếu lương thực, như Haiti, Yemen. Một báo cáo của Standard & Poor’s thì dự báo cuộc khủng hoảng lương thực sẽ kéo dài đến năm 2024 và có thể lâu hơn nữa. Báo cáo này cảnh báo rằng, cuộc khủng hoảng lương thực có thể ảnh hưởng đến sự ổn định xã hội, tăng trưởng kinh tế và xếp hạng tín nhiệm quốc gia. Còn Ủy ban Cứu hộ quốc tế cảnh báo thế giới về một “nạn đói” sắp xảy ra, trong đó thêm 47 triệu người, chủ yếu ở vùng Sừng châu Phi, Sahel, Afghanistan và Yemen, có thể bị đẩy vào tình trạng đói nghiêm trọng.

Đẩy mạnh các nỗ lực phục hồi kinh tế sau đại dịch và tìm giải pháp cho cuộc xung đột Nga - Ukraine đang là những yêu cầu cấp bách. Tuy nhiên, việc giải quyết những thách thức trên đòi hỏi mất nhiều thời gian. Vì thế, thế giới cần quan tâm đến những giải pháp khác. Cũng như lương thực, quá nhiều quốc gia phụ thuộc vào nhập khẩu phân bón. Ở châu Phi, các quốc gia có trữ lượng khí đốt lớn, như Mozambique, Tanzania, Bờ Biển Ngà, Senegal và Mauritania nên ưu tiên phát triển ngành công nghiệp phân bón trong nước để phục vụ cho ngành nông nghiệp.

Về lâu dài, nhiều quốc gia, đặc biệt là ở châu Phi, nơi dân số đô thị đang tăng nhanh, cần phải suy nghĩ kỹ hơn về vấn đề an ninh lương thực. Tuyên bố Maputo năm 2003 yêu cầu các nước châu Phi dành ít nhất 10% ngân sách phân bổ cho nông nghiệp nhưng cho đến nay, rất ít nước làm được điều này. Các nước cũng cần nghiêm túc với nỗ lực nâng cao sản lượng trong nước, không nên tìm cách xoa dịu người dân thành thị đang bồn chồn lo lắng bằng việc nhập khẩu lương thực.

Một điều quan trọng khác là không được hoảng loạn. Lúa mì, gạo và các loại thực phẩm khác có đủ trong các kho lương thực trên khắp thế giới, hoặc đang chờ thu hoạch tại các trang trại ở Bắc bán cầu, điều bảo đảm rằng không ai bị chết đói. Tuy nhiên, vấn đề là cần kịp thời mang chúng tới các nơi cần thiết. Thực tế cho thấy cuộc khủng hoảng gạo năm 2007-2008 là do các nhà nhập khẩu, xuất khẩu hoảng loạn và do sự tích trữ của các nước tham gia quy mô nhỏ trong chuỗi cung ứng gạo khiến giá cả tăng đột biến. Việc các nước xuất khẩu cam kết phân bổ nguồn cung cấp cho những quốc gia có nhu cầu nhất sẽ loại bỏ nỗi sợ hãi của các nhà nhập khẩu, xây dựng lòng tin và ổn định nền kinh tế ngũ cốc thế giới.