Nga nhắc khéo Ukraine: "Binh sĩ do Mỹ huấn luyện đánh đâu thua đấy"

ANTĐ - Đài phát thanh “Tiếng nói nước Nga” (The voice of Russia) vừa có bài viết mang tiêu đề: “Tại sao binh sĩ do Mỹ huấn luyện thua dài?”, đề cập đến vấn đề quân đội các nước đồng minh của Mỹ đang thất bại trên các chiến trường.

Bài báo cho biết, thực trạng tình hình ở Iraq, nơi lực lượng nổi dậy người Sunni đang tấn công ồ ạt và liên tiếp giành thắng lợi trước quân đội chính phủ do các cố vấn Mỹ huấn luyện, đã là bằng chứng rõ nét về sự thất bại của đề án Mỹ - xuất khẩu các “cuộc cách mạng dân chủ”.

Tham gia cuộc thảo luận của kênh truyền hình Nga phân tích về các sự kiện ở Iraq, các chuyên viên Ả Rập học cho rằng, trong những nguyên nhân thành công của nhóm chiến binh thuộc “Nhà nước Hồi giáo của Iraq và vùng Levant” nổi rõ yếu tố là sự hiện diện các sĩ quan vốn thuộc quân đội của Saddam Hussein, thời trước từng được đào tạo ở Liên Xô.

Có thể có người nghi ngờ về tầm quan trọng của yếu tố này, nhưng sự thật khó bác bỏ là trình độ huấn luyện và trang bị vũ khí của Mỹ cho quân đội sở tại đang tỏ ra thua kém.

Nhưng đây không phải là trường hợp đầu tiên. Và xét theo các sự kiện ở Gruzia năm 2008 và chiến sự hiện đang diễn ra ở miền đông Ukraine, thì có thể thấy cũng chẳng phải là cuối cùng.

Đêm rạng sáng 08-8-2008, quân đội Gruzia, cũng do người Mỹ vũ trang và huấn luyện đã dồn dập phóng hàng loạt tên lửa vào thành phố Tskhinvali - thủ phủ của Nam Osetya trước đó đã ly khai khỏi Gruzia. Sau đó quân Gruzia rầm rộ xâm nhập lãnh thổ Nam Osetya để bằng vũ lực trấn áp lực lượng nổi dậy của nước Cộng hòa.

Cuộc hủy diệt thành phố, thảm sát dân thường, giết hại các đội dân quân nhỏ lẻ của Nam Osetya cũng như binh lính gìn giữ hòa bình Nga đã bị chặn đứng với sự xuất hiện của quân đội Nga. Lính Gruzia bỏ chạy, quên hết những chiến thuật Mỹ, bỏ lại những chiếc xe Mỹ mới toanh nhãn hiệu "Hummer" và đám xe tăng nhồi đầy thiết bị điện tử Israel hiện đại.

Nỗ lực của Nga để bảo vệ công dân, không chỉ riêng đội gìn giữ hòa bình ở Nam Osetya mà toàn bộ dân cư, sau đó đã phải hứng chịu những lời cáo buộc chống Moscow và Nga bị qui kết là “mưu toan bóp nghẹt nền dân chủ non trẻ của Gruzia". Tuy nhiên, có nhiều quan điểm khác nhau về cái gọi là “nền dân chủ” này.

Chẳng hạn, một chuyên viên chính trị học người Mỹ và là thành viên Hội nghị quốc tế ở Seoul đã nhận xét như sau: “Quí vị có biết chăng, Tổng thống Saakashvili của Gruzia không phải là nhà dân chủ. Ông ta là vị độc tài". 

Về những gì đang diễn ra ở quảng trường Độc Lập ở Kiev, bây giờ Washington và Brussels đang cố gắng giải thích như là kết quả phù hợp với mong muốn của nhân dân Ukraine là vươn tới tự do và dân chủ.

Binh sĩ quân đội Mỹ

Bất kể thực tế là cuộc đảo chính tháng 2 ở Kiev do những phần tử dân tộc chủ nghĩa thực hiện, những đối tượng ngang nhiên hô hào treo cổ người Nga, người Do Thái và người Ba Lan.

Bất kể thực tế là ngay trước ngưỡng bầu cử Tổng thống, ứng viên đối lập đã bị đánh đập, bị đe dọa và tước đoạt cơ hội vận động tranh cử.

Bất kể thực tế là bộ phận đáng kể trong cư dân của Ukraine đã bỏ phiếu ủng hộ thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Lugansk tại khu vực đông-nam không chịu sự kiểm soát của Kiev.

Bất kể thực tế là chính quyền Kiev đã quyết định trấn áp lực lượng dân quân tự vệ - biểu hiện của ý chí nhân dân vùng đông nam Ukraine - bằng bạo lực quân sự với xe tăng, pháo binh và máy bay.

Bất kể thực tế là trên địa bàn vùng trung tâm và miền Tây Ukraine, các phần tử dân tộc chủ nghĩa mặc sức hoành hành, tấn công khủng bố chống lại tất cả những ai không tuân phục Kiev.

Bất kể thực tế là chính quyền Kiev đã ra lệnh cấm trên vùng lãnh thổ do họ kiểm soát không được phát sóng các chương trình của truyền thông Nga, đồng thời truy lùng bắt bớ và giết hại các nhà báo Nga, hòng che giấu không sự thật về những vụ giết chóc do lực lượng dân tộc chủ nghĩa Ukraine gây ra, mà nạn nhân là các dân thường, kể cả phụ nữ và trẻ em, ở các địa phương vùng đông nam Ukraine.

Và có vẻ là bây giờ Kiev bắt đầu làm điều mà Moscow đã kêu gọi từ lâu là bắt đầu cuộc thương lượng với Donetsk và Lugansk. Không loại trừ rằng nguyên nhân thúc đẩy Kiev đi tới động thái đó không chỉ riêng bởi cuộc kháng cự kiên trì và can đảm của dân quân tự vệ vùng đông nam Ukraine, mà phần nào còn bởi những sự kiện ở Iraq.

Diễn biến chiến sự Iraq cho thấy rằng quân đội do người Mỹ huấn luyện và trang bị vũ khí có thể không đủ dũng khí để bảo vệ “nền dân chủ”, vốn không do nhân dân xây dựng và tạo lập mà là thứ ngoại lai nhập khẩu áp đặt từ nước ngoài, và không đủ sức mạnh để bảo vệ chính quyền không đại diện cho lợi ích của nhân dân.