Nga muốn đưa quân vào cao nguyên Golan

ANTĐ - Ngày 08/06, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Gatilov tuyên bố: “Liên hợp quốc không thể căn cứ vào những Nghị quyết được thông qua cách đây đã 40 năm để giải quyết vấn đề Nga cử nhân viên gìn giữ hòa bình đến cao nguyên Golan”.

Thứ trưởng Gatilov cho rằng, nếu như Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thực sự lo lắng cho cục diện căng thẳng ở cao nguyên Golan thì hãy để Nga cử nhân viên gìn giữ hòa bình đến để ổn định tình hình căng thẳng trên khu vực này. Ông nhấn mạnh, không thể lấy Hiệp định cũ rích từ 40 năm trước làm căn cứ. Để hoàn thành nhiệm vụ gìn giữ hòa bình ổn định ở khu vực này cần phải có một tư duy chính trị mới.

Trong cuộc họp với các quan chức cao cấp Chính phủ Nga ngày 07/06, Tổng thống Nga Putin đã nhấn mạnh, xét đến cục diện phức tạp ở cao nguyên Golan, nếu như Liên hợp quốc đồng ý giúp đỡ các nước trong khu vực này, Nga sẽ cử nhân viên gìn giữ hòa bình đến thế chỗ lực lượng của Áo đang chuẩn bị rút quân về nước.

Người phát ngôn của quân đội Nga cũng cho biết, sau khi nhận được mệnh lệnh, họ sẽ nhanh chóng tổ chức lực lượng đến cao nguyên Golan làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình.

Nga muốn đưa quân vào cao nguyên Golan ảnh 1
Xe tăng T-90 của Nga trong lễ duyệt binh kỷ niệm 68 năm Ngày Chiến thắng phát xít

Trước đó, ông Grant - Đại diện thường trú của Khối liên hiệp Anh tại Liên họp quốc, Chủ tịch luân phiên tháng 6 của Hội đồng Bảo an đã cho biết, Liên hợp quốc sẽ xem xét kiến nghị trên của Nga. Thế nhưng ông cũng nhận xét, trong điều kiện Hiệp định đình chiến giữa Israel và Syria vẫn đang còn hiệu lực, kiến nghị của phía Nga rất khó được thực hiện vì trong Hiệp định này có điều khoản quy định không cho phép bất cứ một Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nào được phép tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình ở cao nguyên Golan.

Ngày 06/06 vừa qua, đại diện của Áo tuyên bố, nước này sẽ rút hết nhân viên đang triển khai trong lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại cao nguyên Golan về nước. Nguyên nhân là trong thời gian gần đây, quân Chính phủ Syria và lực lượng chống đối đã mở rộng cuộc chiến khốc liệt ở khu vực biên giới Syria, tình hình càng lúc càng nguy hiểm. Bắt đầu từ tháng 3 năm nay, đã xảy ra rất nhiều vụ nhân viên gìn giữ hòa bình bị lực lượng chống đối bắt giữ tại cao nguyên Golan.

Xe chiến đấu bộ binh Nga diễu hành qua Quảng trường Đỏ


Sau cuộc chiến Israel - Syria năm 1973, lực lượng quan sát viên Liên hợp quốc đã đến đóng quân tại Cao nguyên Golan vào năm 1974, chịu trách nhiệm duy trì lệnh ngừng bắn giữa hai nước ở khu vực này, ngăn chặn va chạm giữa 2 bên và kiểm soát vũ khí trên cao nguyên này. Hiện nay, lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc có tổng số 1200 binh sĩ và nhân viên dân sự đến từ 3 nước Áo, Ấn Độ và Philippines, trong đó, Áo đóng góp 380 binh sĩ.