Nga đầu tư mạnh vào hải quân để giành lại vị thế địa chính trị

ANTĐ -  Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, Nga đang tăng cường sức mạnh trên biển để giành lại vị thế địa chính trị đối với các cường quốc khác trên thế giới.

Nga đang phải gia tăng hiện diện quân sự tại vùng phía tây Thái Bình Dương do đây là khu vực Moscow và Bắc Kinh đều đang quan tâm đến một vài quyền lợi địa chính trị. Ngoài ra Mỹ cũng đang để ý tới khu vực này sau khi đưa ra chính sách xoay trục sang châu Á.

Hiện tại đây còn là nơi Moscow và Tokyo đang có tranh chấp đối với một vài quần đảo và có thể gia tăng căng thẳng bất cứ lúc nào với sự đối đầu giữa Triều Tiên và Hàn Quốc.

Nga đầu tư mạnh vào hải quân để giành lại vị thế địa chính trị ảnh 1Các chuyên gia cho rằng Nga phải đầu tư vào hải quân để giành lại vị thế địa chính trị tại nhiều khu vực trên thế giới 

Đến thời điểm hiện tại, Moscow đã nâng cấp và hiện đại hoá các đơn vị của hạm đội Thái Bình Dương, cũng như tổ chức tập quân sự với Trung Quốc trong 5 năm qua. Thêm vào đó, hạm đội Thái Bình Dương cũng đang tham gia các hoạt động chống cướp biển ngoài khơi miền đông bắc châu Phi cùng nhiều quốc gia khác và thực hiện các nhiệm vụ tại Bắc Cực.

Các chuyên gia quân sự đã chỉ ra rằng trong 2 năm qua, hạm đội Thái Bình Dương đã được nhận thêm nhiều tàu ngầm hạt nhân tên lửa đạn đạo lớp Borei, tàu đổ bộ lớp Dyugon, các tàu hộ vệ đa nhiệm lớp Steregushchy và tàu ngầm tấn công lớp Yasen theo kế hoạch hiện đại hải quân trong vòng 20 năm.

Theo kế hoạch, cả 8 tàu ngầm lớp Borei sẽ gia nhập hải quân Nga vào năm 2020 trong khi các tàu ngầm có khả năng tấn công hạt nhân là "Vladimir Monomakh" và "Alexander Nevskiy" sẽ được biên chế ngay trong năm nay và đóng tại vùng Viễn Đông.

Mỗi chiếc tàu ngầm lớp Borei có thể mang theo tới 16 tên lửa đạn đạo Bulava, vốn được cho là có thể vượt qua hệ thống tên lửa phòng không của Mỹ và biến hạm đội Thái Bình Dương trở thành một lá chắn quân sự của Nga ở vùng Viễn Đông.

Trong khi đó, vào năm 2014, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã tuyên bố kế hoạch tăng cường hiện diện hải quân ở nước ngoài sau khi Nga được nhiều nước cấp phép cho sử dụng các cảng biển quốc tế.

Đáng chú ý, trong chuyến thăm đến Mỹ Latin vào tháng 2-2105, Bộ trưởng Shoigu đã kí hàng loạt thoả thuận quan trọng nhằm tăng cường hợp tác với Venezuela, Cuba và Nicaragua. Theo nhiều chuyên gia, hải quân Nga sẽ xuất hiện nhiều hơn trên các khu vực trên thế giới trong vòng 3 năm tới bao gồm các cảng ở Việt Nam, Cộng hoà Síp và Singapore.