Nga bí mật bán công nghệ siêu tăng T-90 cho Iran?

ANTD.VN - Giới chức lãnh đạo Bộ quốc phòng Iran đã chính thức công bố nước này đã tự phát triển một loại xe tăng tối tân mang tên Karrar.

Phát biểu trong cuộc phỏng vấn ngày 12/3, Đại tướng Hossein Dehqan - Bộ trưởng Quốc phòng Iran cho biết, loại xe tăng quốc nội của nước này có công nghệ rất tiên tiến, có mặt còn vượt trội cả siêu tăng T-90 của Nga hiện nay, thể hiện trình độ công nghệ và óc sáng tạo cao của các chuyên gia.

Xe tăng thế hệ mới Karrar được Iran chính thức công bố

Theo Hãng thông tấn Tasnim, phát biểu tại lễ công bố loại phương tiện mới trên, ông Dehqan nhấn mạnh, trước đây, Iran có có ý định mua các xe tăng Nga nhưng hiện nay, việc tự phát triển, nâng cấp xe tăng-thiết giáp là một trong những chiến lược chính của Bộ Quốc phòng nước này.

Nhà lãnh đạo quân đội Iran đánh giá rằng, ngành công nghiệp quốc phòng của đất nước đã làm chủ được công nghệ sản xuất khung gầm thiết giáp và các hệ thống cấu kiện trên xe tăng. Đây là bước tiến lớn trên con đường hiện đại hóa lực lượng lục quân của nước này.

Ông còn khẳng định, xe tăng Karrar là một trong những loại xe tăng hàng đầu thế giới, áp dụng nhiều công nghệ hiện đại, được trang bị các hệ thống vũ khí tiên tiến, có đủ khả năng đáp ứng các nhu cầu tác chiến của lực lượng vũ trang Iran.

Tuy nhiên, giới phân tích quân sự đang dặt dấu hỏi về việc các quan chức quân sự Iran đánh giá mẫu xe tăng Karrar của họ “vượt trội” dòng xe tăng chiến đấu chủ lực hàng đầu của Nga là T-90MS, hiện đang gây ấn tượng rất mạnh trên chiến trường Syria.

Xe tăng Tiam của Iran là sản phẩm lai của Mỹ-Trung Quốc

Từ khi tham chiến trên chiến trường Syria đến nay, chưa một loại tên lửa chống tăng nào dù là của Mỹ, Trung Quốc hay của chính Nga có thể bắn cháy một chiếc T-90. Chỉ có 2 chiếc xe tăng loại này bị bắn hỏng hoặc bị bắt sống, nhưng đó là do yếu tố con người.

Giới chuyên gia nhận định rằng, không có khả năng tiếp cận với những công nghệ vũ khí hàng đầu thế giới và các cấu kiện vũ khí của nước ngoài, nên Iran rất khó có thể tự lực phát triển được một thế hệ xe tăng hoàn toàn mới, áp dụng các công nghệ hàng đầu thế giới.

Thực tế cho thấy, từ trước đến nay, xu hướng sản xuất vũ khí của giới quân sự nước này là thường sao chép hay mô phỏng, nâng cấp các vũ khí nước ngoài mà họ có. Từ trước đến nay, Tehran không hề sản xuất bất cứ chiếc xe tăng nào hoàn toàn mới, với số lượng lớn.

Ví dụ như dòng xe tăng mới mang tên Tiam, được Iran công bố vào tháng 4/2016 chỉ là sự cải tạo, lai ghép hỗn tạp. Tiam được thiết kế từ khung gầm của xe tăng M47 được sản xuất từ những năm 1965, do Hoa Kỳ cung cấp cho Iran trong thời kỳ cai trị của vua Sha; còn tháp pháo là từ loại tăng T-59/69 của Trung Quốc.

Xe tăng Zulfiqar của Iran là sản phẩm hỗn hợp Nga-Mỹ

Một thiết kế khác của Iran là loại xe tăng chủ lực phổ biến trong quân đội nước này là Zulfiqar, là sự kết hợp lẫn lộn của các bộ phận từ xe tăng M48, M60 của Mỹ và T-72 của Nga. Thậm chí, Iran còn mặc sơn Zulfiqars giống y như xe tăng M1 Abrams của Mỹ.

Do đó, với khả năng của mình Iran không thể chế tạo được một chiếc xe tăng có tính năng ưu việt hơn chiếc T-90 của Nga. Việc phóng đại khả năng của các vũ khí tự chế của mình là điều thường được Quân đội nước này sử dụng cho các mục đích tuyên truyền.

Hơn nữa, một điều được các chuyên gia quân sự lưu ý là, mặc dù cũng có những khác biệt nhỏ về thiết kế nhưng tăng Karrar của Iran có ngoại hình khá giống với tăng T-90 và T-72 của Nga, đặc biệt là về kết cấu tháp pháo, lớp giáp phản ứng nổ, giáp riềm bên hông xe.

Trong bối cảnh quan hệ giữa Moscow và Tehran đang rất nồng ấm, điều này làm các chuyên gia quân sự nghi ngờ là Nga có thể đã bí mật bán công nghệ chế tạo xe tăng T-90MS để Iran chế tạo tăng Karrar hoặc nâng cấp các xe tăng T-72S theo chuẩn công nghệ T-90.