Nếu Covid-19 là bệnh thông thường, người làm lây lan dịch có còn bị xử lý hình sự?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Mới đây, Bộ Y tế đã đề xuất cho phép người thuộc diện F1 và F0 không có triệu chứng đi làm bằng phương tiện cá nhân. Vậy nếu Covid-19 được coi là bệnh thông thường, người phạm tội làm lây lan dịch bệnh có được miễn trách nhiệm hình sự?

Điều 29 BLHS 2015 quy định, trong quá trình điều tra, truy tố hoặc xét xử, nếu có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa, người phạm tội sẽ được miễn trách nhiệm hình sự.

Miễn trách nhiệm hình sự sẽ dẫn tới hệ quả pháp lý người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, không phải chịu hình phạt, không bị coi là có tội và có án tích - Luật sư Nguyễn Đào Tơ - Trưởng VPLS Hoàng Huy cho biết.

Liên quan đến bệnh Covid-19, nhiều người cho rằng, cần coi đây là bệnh đặc hữu (bệnh thông thường). Nếu điều này được chấp thuận sẽ không còn yếu tố dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người để cấu thành tội Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người theo Điều 240 BLHS 2015. Khi đó, việc người có khả năng lây nhiễm Covid-19 đi lại tự do và làm lây bệnh cho người khác không còn là hành vi nguy hiểm cho xã hội.

Cũng theo Luật sư Đào Tơ, Quyết định 219/QĐ-BYT của Bộ Y tế nêu rõ, từ ngày 29-1-2020, bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona (nCov) gây ra mới được đưa vào danh sách bệnh truyền nhiễm loại A và chịu sự điều chỉnh của pháp luật phòng chống bệnh truyền nhiễm áp dụng đối với bệnh truyền nhiễm loại A. Dẫn chiếu với các quy định về tội phạm có liên quan, nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì người vi phạm sẽ vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đối với các trường hợp đã bị khởi tố truy cứu trách nhiệm hình sự trước khi có Quyết định 219, Toà án nhân dân tối cao đã có công văn số 45/TANDTC-PC hướng dẫn áp dụng pháp luật và tổ chức xét xử đối với một số hành vi vi phạm pháp luật phổ biến có đủ yếu tố cấu thành tội phạm trong phòng, chống dịch bệnh có hiệu lực từ 30-3-2020. Do đó những người đã bị khởi tố do có các hành vi tương tự sẽ không được miễn, giảm trách nhiệm hình sự.

Khi Covid-19 là loại bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, do hệ luỵ nguy hiểm của loại bệnh này nếu để lây nhiễm cho người khác nên hành vi vi phạm pháp luật phòng, chống dịch bệnh sẽ bị xử lý hình sự theo điều 240 về Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người hoặc điều 295 về Tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người.

Nếu coi Covid-19 là bệnh thông thường, tức không còn bị coi là “bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh” thì chế tài xử phạt áp dụng và các văn bản pháp luật áp dụng hiện hành sẽ không còn hiệu lực truy cứu hình sự đối với cá nhân, tổ chức gây phát tán lây lan dịch bệnh.

Đối với loại bệnh thông thường, các chi phí khám chữa bệnh người bệnh phải hoàn toàn có trách nhiệm chi trả. Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ dành cho những người bị nhiễm và điều trị Covid-19 sẽ không được áp dụng nữa.

Tuy vậy, ở thời điểm hiện tại, Covid-19 vẫn chưa được coi là bệnh thông thường. Do đó, người đang bị điều tra, truy tố, xét xử trong giai đoạn này chưa được áp dụng tình tiết tại Điều 29 Bộ luật Hình sự - Luật sư Đào Tơ nhấn mạnh.