Nếu còn biết hổ thẹn

ANTĐ - Lâu nay, dân tình thường nghe các ông doanh nghiệp kêu váng trời họ là “nạn nhân” của tham nhũng, phải cúi gập lưng đưa phong bì lót tay, phải “cúng” những khoản bôi trơn cho cán bộ, công chức. Hóa ra chỉ là một “mẩu” sự thật. 

- Chỉ có chân lý là sự thật 100% thôi! Thời buổi này, biết được một nửa sự thật đã là cực khó. Vậy sự thật “nạn nhân” là ai?

- Cả Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Thế giới đều công bố số liệu điều tra cho thấy, có hơn 70% doanh nghiệp đã thú nhận họ chủ động, “tự nguyện” đưa hối lộ. Chỉ có 30% đưa hối lộ là vì công chức “gợi ý”.

- Nói thẳng tưng, nếu công chức hư hỏng, thoái hóa, vòi vĩnh ăn hối lộ chịu ba phần tội thì doanh nghiệp phải gánh bảy phần tội. 

- Đại loại thế! Có nghĩa là, tội tham nhũng không phải tự nhiên “đẻ” ra và cũng không tự nhiên “đột tử”, mà từ cả hai phía: người đưa hối lộ và kẻ nhận hối lộ. 

- Nói kiểu đó, chẳng lẽ kẻ nhận hối lộ, tham nhũng… bị “oan uổng” quá sao? Nếu phải “dắt” nhau ra tòa, ai là thủ phạm, ai là nạn nhân?

- Chuyện đó đã có luật pháp quy định rồi. Điều đáng nói là không phải bỗng dưng doanh nghiệp “thích” hối lộ cũng như dân đã hình thành “văn hóa phong bì” ở mọi nơi, mọi lúc. 

- Thứ “văn hóa” đổ đốn này mới nảy nòi độ hai chục năm chứ có lâu đâu. Có lẽ vì trong con người hoàn toàn không còn sự hổ thẹn. Nền móng để bảo tồn các giá trị xã hội cơ bản chính là sự hổ thẹn. 

- Nếu còn biết hổ thẹn thì làm gì còn người đưa, người nhận hối lộ. Xã hội sẽ trong sạch, yên lành không còn lo tệ nạn, tội phạm, ô nhiễm…