Nét đẹp cần gìn giữ
(ANTĐ) - Theo nhận xét của một chuyên gia thì “Có lẽ không đâu trên thế giới còn tồn tại hình thức Tổ hoà giải cơ sở như ở nước ta. Nó thể hiện nét đẹp trong lối sống và tính cộng đồng rất đặc thù của người Việt Nam”.
Quả vậy, vì ý thức trách nhiệm với cộng đồng, vì quan niệm “hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau”, đã có nhiều người tự nguyện tham gia các tổ hòa giải ở cụm dân cư, phát huy tốt vai trò của mình trong việc điều chỉnh các quan hệ cộng đồng, quan hệ gia đình, hạn chế tối đa những mâu thuẫn, xung đột ảnh hưởng đến ANTT.
Tuy vậy, kết quả phân tích các vụ phạm pháp hình sự xuất phát từ nguyên nhân mâu thuẫn xã hội xảy ra thời gian gần đây cho thấy, tổ hòa giải ở nhiều địa phương hầu như chỉ có trên danh nghĩa mà không hoạt động, hoặc nếu có thì rất hình thức, hời hợt, “đánh trống bỏ dùi”, không mấy hiệu quả.
Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến tình trạng đó: Các vụ việc xảy ra nhiều và đa dạng, trình độ chuyên môn về tâm lý hay pháp luật của hòa giải viên không đủ để giải quyết những vụ việc phức tạp, kinh phí hoạt động hạn hẹp.
Thêm vào đó là việc chính quyền và nhân dân một số địa phương chưa đánh giá đúng vai trò của tổ hòa giải nên bản thân các thành viên tham gia công tác này cũng giảm dần tâm huyết.
Khi mối quan hệ giữa con người với con người ngày càng trở nên lỏng lẻo, mờ nhạt, vô cảm như hiện nay, chúng ta càng không thể để những tổ hòa giải tan rã.
Cần phải có những chính sách thiết thực hơn để thúc đẩy hoạt động này: Đối với đội ngũ hòa giải viên chuyên trách, bên cạnh mức phụ cấp xứng đáng cũng phải có nhiều hình thức đào tạo, động viên tinh thần kịp thời.
Mặt khác cần tăng cường công tác tuyên truyền để mỗi công dân sống có trách nhiệm với cộng đồng hơn, sao cho từng cá nhân đều trở thành một hòa giải viên tại nơi cư trú của mình.
Bảo Trâm