Nền tảng cho bước tiến mạnh mẽ của quan hệ Việt - Mỹ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trong ba thập niên qua, quan hệ Việt - Mỹ đã từng bước vượt qua khác biệt, xây dựng lòng tin vươn lên trở thành đối tác chiến lược toàn diện. Thành quả đó đặt nền tảng cho những bước tiến mạnh mẽ cho quan hệ hai nước trong tương lai.

Hành trình hiếm có trong quan hệ quốc tế

Tháng 7-2025, Việt Nam và Mỹ kỷ niệm 30 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao. Đây là dấu mốc rất có ý nghĩa, là hành trình hiếm có trong quan hệ quốc tế, khi hai quốc gia từng ở hai chiến tuyến đã chuyển mình trở thành bạn bè, hơn thế nữa, trở thành những đối tác chiến lược toàn diện cả trong khu vực lẫn trên thế giới. Với những nỗ lực không ngừng nghỉ từ cả hai phía, Việt Nam và Mỹ từng bước hàn gắn hậu quả chiến tranh, gỡ bỏ cấm vận, thiết lập ngoại giao, mở rộng hợp tác trên hầu hết các lĩnh vực, từ thương mại, giáo dục, y tế, an ninh đến đổi mới sáng tạo khoa học công nghệ…

Hàng hóa của Mỹ trong siêu thị tại TP.HCM

Hàng hóa của Mỹ trong siêu thị tại TP.HCM

Quan hệ Việt Nam - Mỹ phát triển vì hai bên đã xây dựng được lòng tin, chia sẻ lợi ích chiến lược và cùng cam kết hợp tác thực chất. Với tầm nhìn và quyết tâm chính trị của lãnh đạo hai nước, quan hệ Việt - Mỹ đã có những bước tiến triển mạnh mẽ. Tháng 7-2013 đánh dấu một cột mốc lớn khi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gặp Tổng thống Mỹ Barack Obama tại phòng Bầu dục để cùng khởi động quan hệ đối tác toàn diện Việt - Mỹ, thiết lập một khuôn khổ tổng thể nhằm thúc đẩy quan hệ song phương. 10 năm sau, vào tháng 9-2023, một bước tiến quan trọng khác được ghi nhận khi Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Hà Nội hội đàm với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và thống nhất nâng cấp quan hệ Việt - Mỹ lên đối tác chiến lược toàn diện.

Quan hệ chính trị được thúc đẩy đã tạo động lực mạnh mẽ cho hợp tác kinh tế - thương mại. Năm 2001, hai nước ký Hiệp định thương mại song phương (BTA), có hiệu lực vào năm 2002. Cũng trong năm 2002, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ tăng mạnh, tạo nền tảng cho quan hệ thương mại song phương phát triển như ngày nay. Đây cũng là bước đi quan trọng giúp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Mỹ, với kim ngạch tăng hơn 200 lần trong 30 năm qua. Điều đó đã đưa Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, còn Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 8 của Mỹ.

Trong lĩnh vực đầu tư, mặc dù số công ty đầu tư vào Việt Nam dưới danh nghĩa từ Mỹ có thể không nhiều nhưng thực tế có rất nhiều công ty Mỹ mở văn phòng tại Hồng Kông (Trung Quốc) hoặc Singapore và từ đó đầu tư vào Việt Nam. Vì vậy, dù nguồn vốn ghi nhận là từ Hồng Kông hay Singapore thì bản chất vẫn là vốn đầu tư từ Mỹ. Về quốc phòng, hai bên cũng có nhiều hợp tác, từ nâng cao nhận thức về an ninh hàng hải, phối hợp cứu hộ - cứu nạn đến khắc phục hậu quả chiến tranh. Mỹ đã hỗ trợ Việt Nam trong việc làm sạch đất nhiễm dioxin tại các sân bay Đà Nẵng, Biên Hòa và xử lý các vấn đề liên quan đến chất độc da cam...

Hợp tác trong lĩnh vực giáo dục là một trong những trụ cột khác của quan hệ Việt - Mỹ. Việt Nam hiện là quốc gia có số lượng du học sinh lớn thứ 6 tại Mỹ, với khoảng 30.000 người. Nếu tính cả các chương trình ngắn hạn và giao lưu, số người Việt kết nối với hệ thống giáo dục Mỹ lên tới khoảng 300.000 người. Mỹ và Việt Nam đang hợp tác ở cấp chính phủ và tư nhân để tăng cường giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao. Nhiều trường đại học Mỹ như Đại học Purdue, Đại học bang Portland đang phối hợp với các doanh nghiệp như Intel nhằm xây dựng năng lực đào tạo và nghiên cứu tại Việt Nam. Các công ty công nghệ hàng đầu của Mỹ như Nvidia, Qualcomm, Marvel, Synopsys đã có mặt và đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái công nghệ cao của Việt Nam.

Triển vọng hợp tác rộng mở

Kết quả của chặng đường 30 năm bình thường hóa và phát triển quan hệ Việt - Mỹ đã đặt nền tảng cho những bước tiến mạnh mẽ cho quan hệ hai nước trong tương lai. Quá khứ cho thấy các khác biệt là không tránh khỏi nhưng hoàn toàn có thể được hóa giải thông qua thiện chí và đối thoại. Vì thế, điều quan trọng là hai nước cần tiếp tục củng cố lòng tin chiến lược, coi trọng quan hệ lâu dài và cùng có lợi để đưa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt - Mỹ tiếp tục mở rộng và đi vào chiều sâu. Đây chính là nền tảng để quan hệ Việt - Mỹ tiếp tục phát triển vững bền trong tương lai.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng khi nhiều quốc gia có xu hướng đẩy mạnh khả năng tự chủ trong các ngành công nghiệp sản xuất, đồng thời ưu tiên bảo đảm tính bền vững và linh hoạt của chuỗi cung ứng, việc bảo đảm chuỗi cung ứng đã trở thành mối quan tâm hàng đầu với các nước. Vì thế, một trong những trụ cột quan trọng trong quan hệ Việt - Mỹ là tiếp tục hợp tác kinh tế, thương mại và bảo đảm chuỗi cung ứng. Việt Nam có thể trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng hàng hóa của Mỹ, đặc biệt trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu có nguy cơ đứt gãy hoặc bị ảnh hưởng vì các căng thẳng quốc tế ngày càng gia tăng.

Hợp tác khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo cũng là điểm nhấn mới, đặc biệt trong các lĩnh vực như chuyển đổi số, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), năng lượng sạch, y tế... Dù đang đẩy mạnh đầu tư vào khoa học công nghệ như một động lực tăng trưởng, Việt Nam vẫn cần thêm những công cụ mới. Mỹ có thể là đối tác vững chắc trong đào tạo kỹ sư và phát triển các lĩnh vực như AI, công nghệ sinh học và lượng tử. Cùng với đó, công nghệ điện toán đám mây có thể giúp Việt Nam tiếp cận nguồn dữ liệu toàn cầu, đào tạo đội ngũ nhà khoa học, tận dụng hiệu quả theo quy mô, qua đó tăng tốc trong các ngành công nghệ cao, đặc biệt là AI.

Tại cuộc tọa đàm với các lãnh đạo doanh nghiệp do Hội đồng kinh doanh Mỹ - ASEAN tổ chức vào tháng 9-2024, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh tiềm năng lớn của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt - Mỹ, nêu bật các lĩnh vực hợp tác trọng tâm như chuyển đổi số, công nghệ cao và phát triển năng lượng bền vững. Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định Chính phủ Việt Nam coi chuyển đổi số và phát triển công nghệ là động lực chủ đạo cho giai đoạn phát triển tiếp theo. Việt Nam không muốn rơi vào bẫy thu nhập trung bình, mà đặt mục tiêu vươn lên bằng một nền kinh tế đổi mới sáng tạo. Đây là lĩnh vực mà Việt Nam và Mỹ có thể đẩy mạnh hợp tác.

Ngoài ra, giải quyết hậu quả chiến tranh cũng là một lĩnh vực quan trọng để hai bên hợp tác. Dù quan hệ Việt - Mỹ đã đạt tầm mức ngoại giao là đối tác chiến lược toàn diện, nhưng vấn đề giải quyết di sản chiến tranh vẫn là nền tảng và cơ sở để tạo dựng lòng tin. Bởi vì tại Việt Nam hiện nay vẫn còn rất nhiều nạn nhân của chất độc da cam, còn rất nhiều bom mìn, còn rất nhiều những khu vực cần phải xử lý chất độc da cam. Chất độc da cam có thể di truyền sang các thế hệ sau và tiếp tục ảnh hưởng lâu dài. Do đó, đây là một lĩnh vực cần được duy trì hợp tác lâu dài.

30 năm quan hệ Việt - Mỹ chưa phải là dài nhưng thành tựu và triển vọng của mối quan hệ đó là minh chứng sống động cho tinh thần hàn gắn, hòa giải giữa hai quốc gia trong lịch sử quan hệ quốc tế, là hình mẫu trong thúc đẩy hòa bình, hợp tác hướng tới tương lai.