Nên lấy ý kiến người dân

ANTĐ - “Quy định này là đúng đắn, việc chủ nuôi phải đăng ký nuôi chó, mèo cần có phương án thuận tiện cho người dân, đi đôi với việc xử phạt nặng mới có tác dụng”, chị Trần Thị Như Quỳnh (22 tuổi, số 24, ngõ 14, Pháo Đài Láng, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội) đánh giá.

- Quản lý tốt sẽ làm giảm bệnh dại và các hệ lụy khác như, nếu để chó cắn người còn biết chủ để truy trách nhiệm, chị thấy việc này khó thực hiện ở chỗ nào?

- Quy định về việc chó, mèo phải đăng ký để quản lý là đúng và tốt cho công tác phòng chống bệnh, dịch và cũng để người dân có trách nhiệm hơn với cộng đồng xã hội. Khó ở chỗ là ý thức người dân chưa cao. Liệu người ta có đi đăng ký khi còn quá nhiều vấn đề phải lo toan? Ở thành phố còn dễ chứ nông thôn thì chẳng biết đằng nào mà lần. Đăng ký rồi khi chó, mèo chết lại phải đi báo, thủ tục rườm rà, nghe đã thấy ngại. Mà cán bộ phường xã vốn đã thiếu, nay lo thêm việc này liệu có đảm bảo?

- Có cần quy định rõ trách nhiệm của chủ nuôi nữa không?

- Nhiều gia đình nuôi chó, mèo nhưng không quản lý, không đảm bảo vệ sinh, không tiêm phòng đúng lịch dẫn đến hậu quả là xuất hiện nhiều ổ dịch dại trên đàn chó. Vì thế số người tử vong do bị chó dại cắn đã tăng trở lại trong mấy năm nay. Chưa kể những người vô ý thức còn xua chó, mèo ra đường phóng uế bừa bãi, phải xử phạt nặng vào!

- Ở nông thôn thì sao?

- Khó mà làm được, vì thói quen thả rông chó mèo không dễ thay đổi. Cần tìm cách làm hợp lý hơn ở nông thôn, miền núi. Nhiều người cứ nói to tát lên chứ tôi thấy việc này là rất cần thiết. Thử nghĩ xem ở nhiều khu dân cư đông đúc nhưng chó mèo thả rông tràn ngập đường phố, mọi người sẽ luôn sống trong lo sợ bị chó cắn bất cứ lúc nào. Có người phải nhập viện, tiêm phòng nhiều ngày vì bị chó cắn mà chủ của nó thì... không ai biết. Nên lấy ý kiến người dân để có cách làm hợp lý thì sẽ dễ triển khai thôi.