Nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) kiến nghị Chính phủ nâng mục tiêu tăng trưởng, cao nhất đạt 7% trong năm nay.
Nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm nay

Nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm nay

Bộ KH-ĐT vừa kiến nghị Chính phủ phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm khoảng 7%, cao hơn mức phấn đấu cao khoảng 0,5% so với mục tiêu Quốc hội giao và Chính phủ đề ra (từ 6-6,5%) nhằm tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế năm 2023.

Kiến nghị này được đưa ra sau khi tăng trưởng GDP 2 quý đầu năm đạt kết quả khả quan, đặc biệt trong quý II vừa qua.

Cụ thể, Bộ KH-ĐT đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng là: Kịch bản 1: mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5%, quý III/2022 cần đạt mức tăng trưởng là 7,9% (trong khoảng 7,5-8% tại Nghị quyết 01/NQ-CP), quý IV/2022 tăng 5,5% (thấp hơn Nghị quyết 01/NQ-CP 0,7 điểm phần trăm).

Kịch bản 2: Để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 7%, quý III/2022 phải đạt mức tăng trưởng là 9% (cao hơn Nghị quyết 01/NQ-CP 1 điểm phần trăm) và quý IV/2022, tăng 6,3% (trong khoảng 6,7-6,7% tại Nghị quyết 01/NQ-CP). Để đạt được mục tiêu này, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cũng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương cần triển khai thực hiện nhanh, hiệu quả, thực chất, toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Nghị quyết 01/NQ-CP, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và chương trình phòng, chống dịch Covid-19 (2022-2023).

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT cũng kiến nghị các địa phương cần chủ động phương án ứng phó linh hoạt, kịp thời với các tình huống phát sinh, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn; chủ động nghiên cứu, đề xuất, có giải pháp hỗ trợ kịp thời doanh nghiệp, người dân, nhất là người nghèo, thu nhập thấp trước áp lực về giá, chi phí sản xuất, sinh hoạt tăng cao.

Cuối quý I năm nay, căn cứ vào mức tăng trưởng quý I-2022, Tổng cục Thống kê cho rằng, để đạt mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% được nhận định là thách thức lớn.

Tổng cục Thống kê đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng cho các quý còn lại. Ở kịch bản thấp, với giả định xung đột Nga - Ukraine vẫn căng thẳng nhưng sớm kết thúc trong 6 tháng đầu năm, dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp với biến chủng mới nhưng cơ bản được kiểm soát và Việt Nam hoàn thành phổ cập tiêm diện rộng vaccine mũi 3, hoạt động kinh tế duy trì như hiện nay, thì tăng trưởng quý II đạt khoảng 5,5% (cao hơn 0,1% so với Nghị quyết số 01/NQ-CP);

Quý 3 đạt khoảng 7,5% (vẫn giữ nguyên theo Nghị quyết số 01/NQ-CP) và quý 4 tăng 6,1% (thấp hơn 0,1% so với Nghị quyết số 01/NQ-CP). Tăng trưởng cả năm ước đạt 6%.

Với kịch bản cao, giả định xung đột Nga - Ukraine hạ nhiệt trong tháng 4, dịch Covid-19 được kiểm soát, biến chủng mới ảnh hưởng nhẹ hơn, Việt Nam hoàn thành phổ cập tiêm diện rộng vaccine mũi 3, hoạt động kinh tế được mở rộng thì tăng trưởng quý II sẽ đạt 6,1% (cao hơn 0,2% so với Nghị quyết số 01/NQ-CP); quý III, IV vẫn giữ nguyên theo Nghị quyết số 01/NQ-CP tăng trưởng cả năm đạt 6,5% như kịch bản ban đầu.

Trong khi đó, hồi cuối tháng 5 vừa qua, Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN và Viện Friedrich Naumann Foundation (FNF) Việt Nam cũng đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế trong năm nay.

Cụ thể, với kịch bản cơ sở, GDP tăng trưởng khoảng 5,7%. Với kịch bản khả quan, chuỗi cung ứng từ Trung Quốc không gián đoạn do nước này thực hiện chính sách Zero Covid, nền kinh tế sẽ đạt tăng trưởng GDP khoảng 6,2%.

Kịch bản xấu nhất trong trường hợp chuỗi cung ứng sản xuất bị gián đoạn do chính sách Zero Covid của Trung Quốc, nền kinh tế chỉ đạt tăng trưởng 5,2% trong năm nay.