Theo các nhà khoa học, khí thải ra từ hệ tiêu hóa của bò có chứa khí CO2 và metan. Metan là thành phần chính của khí đốt tự nhiên, được sử dụng làm nhiên liệu cho ô tô, nhà máy điện và nhiều thứ khác. Xuất phát từ nguyên lý đó, các nhà khoa học đã chế tạo một cỗ máy để thu và xử lý loại khí này, giúp tăng nồng độ metan trong khí thải của bò từ 25% lên 95%.
“Khí thải từ hệ tiêu hóa của bò sẽ được thu lại trong các túi khí thông qua hệ thống này, thay vì thải ra môi trường như trước đây. Một con bò thải ra trung bình từ 1.000 tới 1.300 lít khí thải mỗi ngày, và sau khi tinh lọc, sẽ cho ra từ 200 tới 300 lít khí đốt” - Giáo sư Guillermo Berra, thành viên nhóm nghiên cứu nói. Đây có thể là nguồn năng lượng không thiết thực vào lúc này nhưng sẽ rất hữu ích vào năm 2050 khi mà dự trữ nhiên liệu hóa thạch cạn kiệt. Argentina là một trong những nước xuất khẩu thịt bò lớn nhất thế giới, với khoảng 51 triệu đàn gia súc và đây có thể coi là điều kiện tiềm năng giúp quốc gia Nam Mỹ phát triển loại năng lượng này.