Nâng cao sức cạnh tranh, khả năng chống chịu và củng cố năng lực tự chủ kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Năm 2020, Việt Nam sẽ là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất khu vực Đông Nam Á (như Ngân hàng Phát triển châu Á ADB đã khẳng định) và đà tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ quay trở lại vào năm 2021.

Mục tiêu của Việt Nam là khai thác tối đa thị trường trong nước, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, sinh kế, việc làm, đời sống đối với người lao động

Mục tiêu của Việt Nam là khai thác tối đa thị trường trong nước, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, sinh kế, việc làm, đời sống đối với người lao động

Ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội

So với thế giới, các gói kích cầu của Việt Nam, một mặt, có một số đặc điểm chung là cùng có nguồn tiền chủ yếu từ nguồn ngân sách hoặc có nguồn gốc ngân sách, đối tượng bao gồm cả doanh nghiệp và người dân. Mặt khác, các gói hỗ trợ của Việt Nam cũng có một số điểm riêng, như: Quy mô không lớn; đa dạng về đối tượng và kênh hỗ trợ; chủ yếu hỗ trợ về thời gian và chính sách, ít dùng tiền trực tiếp kiểu “cho không”. Ngoài ra, tính chất xã hội hóa của các gói hỗ trợ cũng là nét đặc sắc của Việt Nam, nhờ sự tham gia và trách nhiệm xã hội cao của các ngân hàng thương mại, doanh nghiệp Nhà nước và người dân hảo tâm…

Bài học từ thực tiễn chống dịch Covid-19 cho thấy, cần coi trọng công tác thông tin cộng đồng và tâm lý đám đông. Kiểm soát tình trạng đầu cơ, trục lợi và tham nhũng trong chống dịch. Đề cao tinh thần cộng đồng và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Hài hòa lợi ích trong nhập khẩu, phân phối hàng thiếu hụt (thịt lợn). Coi trọng thị trường trong nước và phát triển các chuỗi cung ứng mới. Phát triển thương mại điện tử, kinh tế nền tảng và phi tiếp xúc truyền thống. Phát triển hạ tầng logistics nông nghiệp và xuất khẩu dịch vụ (Việt Nam luôn nhập siêu dịch vụ trung bình khoảng 4 tỷ USD/năm; 6 tháng đầu năm 2020 nhập siêu dịch vụ 4,3 tỷ USD, tức cao hơn xuất siêu hàng hóa dưới 4 tỷ USD). Chủ động đa dạng hóa kịch bản tăng trưởng và kiểm soát rủi ro vĩ mô và vi mô…

Hơn nữa, cần củng cố nhận thức mới về bối cảnh bình thường hóa mới (mục tiêu “kép”) và về đối tượng của các gói hỗ trợ (cả doanh nghiệp và người dân, cả doanh nghiệp to và nhỏ, doanh nghiệp tư nhân và Nhà nước, cũng như cần tác động vào cả cung và cầu…) và hàng rào kỹ thuật trong bối cảnh các nước khi mở cửa giao thương hậu Covid-19 đều đề cao yêu cầu mới là chỉ ưu tiên quốc gia không có dịch bệnh…

Đặc biệt, cần bám sát tinh thần Kết luận 77-KL/TW ngày 5-6-2020 của Bộ Chính trị: Các nhiệm vụ và giải pháp kinh tế trong thời gian tới cần được thực hiện đồng bộ và đáp ứng cả 2 mục tiêu: Tiếp tục kiểm soát an toàn dịch bệnh; đồng thời, điều tiết để “lò xo kinh tế” bị nén trong thời gian qua bung ra đúng lúc, đúng hướng và hiệu quả cao, tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế. Phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.

Khai thác tối đa thị trường trong nước, đồng thời phải phòng ngừa, ứng phó với các bất ổn từ bên ngoài, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, sinh kế, việc làm, đời sống đối với người lao động, người nghèo, người yếu thế. Chủ động điều hành, điều chỉnh các chỉ tiêu về ngân sách Nhà nước, trong đó có thu ngân sách Nhà nước, bội chi ngân sách Nhà nước và nợ công cho phù hợp tình hình thực tiễn, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Tạo lập môi trường kinh doanh phù hợp với xu thế mới, có khả năng cạnh tranh khu vực, quốc tế nhằm thu hút mạnh mẽ các nguồn vốn đầu tư quốc tế và trong nước; hỗ trợ cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, nhanh chóng tiếp cận các hình thức sản xuất kinh doanh mới, hiện đại, hiệu quả, phù hợp để đủ sức tham gia ngay các chuỗi giá trị mới, mở rộng quan hệ đối tác gắn với mở rộng thị trường khi cấu trúc kinh tế thế giới có sự thay đổi, điều chỉnh. Khắc phục, tháo gỡ khó khăn về sản xuất kinh doanh, chuẩn bị nguồn lực, xây dựng các chính sách đặc biệt, tận dụng cơ hội, nâng cao năng lực nội tại và sức cạnh tranh, khả năng chống chịu và tính tự chủ của nền kinh tế.

Điều hành linh hoạt các công cụ tài chính, chính sách tài khóa, tiền tệ

Tiếp tục điều hành linh hoạt các công cụ tài chính, chính sách tài khóa, tiền tệ, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, mở rộng thị trường quốc tế, kích cầu tiêu dùng nội địa để kích thích tăng trưởng. Tập trung rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật và cắt giảm thủ tục hành chính để tạo thuận lợi tiết giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Coi trọng chỉ đạo phát triển một số lĩnh vực kinh tế mới như kinh tế ban đêm, kinh tế số, kinh tế đô thị, thu hút mạnh mẽ đầu tư xã hội, đầu tư tư nhân, nguồn vốn FDI và phát huy hơn nữa vai trò của các địa phương.

Chính phủ, Quốc hội xem xét, bổ sung thêm các sắc thuế, phí cần miễn, giảm; kéo dài thời hạn hoãn các khoản phải nộp, phải trả của doanh nghiệp; nới room - tăng trần hạn mức tăng trưởng tín dụng cho vay… Các cơ quan chức năng thực hiện nhất quán và triệt để cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thực chất, tập trung giải quyết các điểm nghẽn, bất cập làm cản trở doanh nghiệp phát triển. Thay thế những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trình độ, không đáp ứng được yêu cầu; đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng, nhất quán trong các quy định, chính sách, thái độ phục vụ và tính công minh, sát cánh cùng doanh nghiệp của đội ngũ cán bộ cấp thực thi.

Đặc biệt, cần tập trung hỗ trợ doanh nghiệp chủ động hơn nguồn cung ứng nguyên liệu, sản xuất linh kiện, sản phẩm trung gian trong nước; nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo và phát triển thị trường, thúc đẩy kết nối giữa các nhà sản xuất và phân phối, ngân hàng với doanh nghiệp khai thác tốt các cơ hội mới từ các hiệp định thương mại tự do mới; tăng cường xúc tiến thương mại; xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển công nghiệp hỗ trợ và chương trình quốc gia nâng cao năng lực quản trị của cộng đồng doanh nghiệp, tập trung vào nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thực hiện các yêu cầu quốc tế hoá và số hoá, thực hiện các mô hình kinh doanh bền vững, sáng tạo và có trách nhiệm.

Bên cạnh đó, cần thực hiện các giải pháp kích cầu thị trường nội địa; thúc đẩy đầu tư công; đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân và nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư công; tháo gỡ nút thắt trong lĩnh vực bất động sản, phát triển thị trường nhà ở xã hội; Đồng thời, cần chủ động xây dựng và nhanh chóng triển khai chiến dịch xúc tiến đầu tư và thương mại quốc gia, khẳng định Việt Nam là “đối tác tin cậy chiến lược”, là điểm đến đầu tư an toàn và sẵn sàng đón nhận các dòng vốn chuyển dịch tới Việt Nam, định hình và xác lập vị thế mới của Việt Nam trong các chuỗi cung ứng toàn cầu; tham gia kiến tạo và vận động đưa các công đoạn sản xuất, kinh doanh phù hợp, có giá trị gia tăng cao hơn vào Việt Nam từ các nhà đầu tư FDI có tiềm năng thật sự về tài chính, công nghệ và tuân thủ nghiêm pháp luật Việt Nam.

Đại dịch Covid-19 đang làm bộc lộ và cũng là cơ hội để nhận diện và cải thiện những điểm bất cập và hạn chế của nền kinh tế, cả cấp vĩ mô và vi mô. Vì vậy, củng cố năng lực tự chủ kinh tế là một trong những định hướng và giải pháp quan trọng hàng đầu để phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh xu hướng toàn cầu hóa tiếp tục diễn ra nhanh chóng trong khi các thách thức an ninh phi truyền thống, những nguy cơ của dịch bệnh, thiên tai sẽ có thể trở thành lực cản lớn ảnh hưởng tiêu cực tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong dài hạn cũng như làm đảo lộn cuộc sống của người dân.