Giữ cân đối vĩ mô, kiềm chế lạm phát, không để đứt gãy các chuỗi cung ứng kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Các chỉ số kinh tế 8 tháng đầu năm dù suy giảm và những tháng còn lại của năm 2020 vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy cơ, thách thức khó lường, nhất là trước việc cuối tháng 7 đã xuất hiện ổ dịch tại Đà Nẵng và lây lan ra 7 tỉnh, thành phố, nhưng Việt Nam vẫn có nhiều thuận lợi cơ bản…
Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong

Cải thiện tích cực về kích cầu nhiều ngành nghề

Việt Nam giữ được tăng trưởng GDP thực dương trong 6 tháng đầu năm 2020, nhất là trong quý II-2020; có uy tín và vị thế quốc tế, khu vực thuận lợi. Theo khảo sát của Tổng Cục thống kê, chỉ số PMI (chỉ số quản lý thu mua) của ngành công nghiệp từ dưới 40 đã tăng lên trên 50 vào cuối tháng 6-2020.
Đặc biệt, chỉ còn 31,5% số doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được khảo sát đánh giá quý III-2020 khó khăn hơn so với quý II-2020, so với mức 40,8% đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý II-2020 gặp khó khăn hơn quý I-2020... Trong tháng 7, cả nước đã có cải thiện tích cực về kích cầu và du lịch nội địa, hàng không… Bệnh dịch tả lợn châu Phi ở Việt Nam đang được khống chế và tăng tái đàn lợn nuôi những tháng cuối năm 2020 sẽ giúp giá thịt lợn dần hạ nhiệt.

Đặc biệt, với thành công từ chống dịch Covid-19 và Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) bắt đầu có hiệu lực từ 1-8, cùng với CPTPP và RCEPT (dự kiến được ký vào cuối năm 2020) được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều cơ hội phát triển cho nền kinh tế thông qua việc mở rộng xuất khẩu, đầu tư và ứng dụng khoa học công nghệ, giúp cải thiện chuỗi cung ứng của Việt Nam;

đa dạng hóa quan hệ hợp tác, bổ sung động lực tăng trưởng và giảm phụ thuộc quá nhiều vào một vài nền kinh tế lớn; gia tăng cơ hội mở rộng sản xuất cho ở những ngành, như dệt may, da giày, đồ gỗ, điện tử, nông sản và thủy sản; phân phối bán lẻ, du lịch, giải trí, giáo dục, y tế; những lĩnh vực kinh tế xanh, kinh tế sáng tạo, kinh tế số, phát triển đô thị thông minh và hạ tầng logistics; tham gia đấu thầu mua sắm công; thúc đẩy cả bề rộng và bề sâu các hoạt động M&A, nhất là trong lĩnh vực bất động sản, sản xuất và kinh doanh hàng tiêu dùng, chế tạo cơ khí…

Cả nước đã có cải thiện tích cực về kích cầu và du lịch nội địa và hàng không

Cả nước đã có cải thiện tích cực về kích cầu và du lịch nội địa và hàng không

Đa dạng hóa kịch bản, linh hoạt hóa giải pháp bảo đảm tăng trưởng

Bài học từ thực tiễn chống dịch Covid-19 cho thấy: Cùng với đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, cần quán triệt sâu sắc về bối cảnh bình thường hóa mới (hài hòa “mục tiêu kép” kiểm soát dịch bệnh và tăng trưởng kinh tế); về quy mô, đối tượng và cách thức triển khai của các gói hỗ trợ từ chính phủ, cũng như nhận diện yêu cầu và tăng năng lực vượt qua các hàng rào kỹ thuật trong bối cảnh dịch bệnh;

đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực tự chủ của nền kinh tế; gia tăng các động lực tăng trưởng mới; đẩy nhanh quá trình cải cách thể chế và cải thiện môi trường; phát triển của khu vực tư nhân; phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động; chú trọng phát triển công nghiệp chế biến chế tạo theo chiều sâu và tận dụng tối đa các lợi ích, cơ hội từ hội nhập quốc tế và xu hướng cách mạng công nghiệp 4.0.

Đồng thời, cần coi trọng công tác thông tin cộng đồng và tâm lý đám đông. Kiểm soát tình trạng đầu cơ, trục lợi và tham nhũng trong chống dịch. Xử lý nghiêm các vi phạm, nhất là vi phạm Luật Biên giới, nạn đầu cơ, làm hàng giả, kinh doanh trái phép vật tư y tế. Đề cao tinh thần cộng đồng và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Hài hòa lợi ích trong nhập khẩu, phân phối hàng thiếu hụt.

Phát triển thị trường trong nước và các chuỗi cung ứng mới. Phát triển thương mại điện tử, kinh tế nền tảng và phi tiếp xúc truyền thống. Phát triển hạ tầng logistics nông nghiệp và xuất khẩu dịch vụ. Đa dạng hóa kịch bản, đồng bộ và linh hoạt hóa giải pháp bảo đảm tăng trưởng, chủ động kiểm soát rủi ro vĩ mô và vi mô.

Đặc biệt, cần bám sát tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Chỉ đạo khoanh vùng dập dịch quyết liệt nhưng không hoảng loạn, đặc biệt là hạn chế giãn cách một cách tràn lan; kết hợp đồng bộ, hiệu quả các chính sách, nhất là chính sách tài chính và tiền tệ để kích thích mạnh mẽ tổng cầu, trong đó lưu ý quy mô, phạm vi đủ lớn, phương thức hỗ trợ phù hợp, hiệu quả để tạo ngay động lực tăng trưởng, bảo đảm mục tiêu, định hướng… trên tinh thần không để đứt gãy nền kinh tế, giữ cân đối vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đặc biệt là giữ được các cân đối lớn của nền kinh tế, để củng cố niềm tin, góp phần ổn định xã hội.