Nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân, hướng tới mục tiêu trở thành quận vào năm 2020

ANTD.VN - Hoài Đức là huyện ngoại thành cửa ngõ phía Tây Thủ đô Hà Nội, cách trung tâm thành phố khoảng 16km. Tổng diện tích đất tự nhiên 8.246 ha, dân số gần 23 vạn người với 60.425 hộ dân, có 20 đơn vị hành chính (gồm 19 xã và 1 thị trấn). 

Người dân Hoài Đức vui mừng khi có nước sạch sử dụng, đảm bảo an toàn sức khỏe

Thực hiện chủ trương xã hội hóa đầu tư nước sạch cho khu vực nông thôn của thành phố Hà Nội, năm 2017, trên địa bàn huyện Hoài Đức đã có 2 nhà đầu tư được UBND thành phố Hà Nội chấp thuận cho phép đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sạch cho 16 xã và 1 thị trấn. Cụ thể, là Công ty CP nước sạch Tây Hà Nội đầu tư trên địa bàn 14 xã, 1 thị trấn và Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Đông đầu tư trên địa bàn 2 xã Vân Côn, An Thương. 

Thông tin với PV, ông Nguyễn Hoàng Trường, Phó Chủ tịch  UBND huyện Hoài Đức cho biết: Được khởi công xây dựng từ tháng 6, tháng 7 năm 2017, dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sạch trên địa bàn huyện Hoài Đức theo hình thức xã hội hóa do 2 nhà đầu tư Công ty CP nước sạch Tây Hà Nội và Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Đông đã và đang triển khai đồng bộ trên địa bàn 8 xã gồm: Vân Canh, Di Trạch, Lại Yên, Kim Chung, Song Phương, Sơn Đồng, Vân Côn, An Thượng.

Tính đến tháng 12 năm 2017, dự án đã cơ bản lắp đặt xong các tuyến ống truyền dẫn, 95% tuyến ống phân phối và 60% các tuyến ống dịch vụ trên địa bàn 8 xã. Số hộ dân đã được lắp đặt cụm đồng hồ và sử dụng nước sạch là 2.746 hộ, nâng tổng số hộ dân trên địa bàn huyện sử dụng nước sạch là 12.344 hộ (dự án cấp nước sạch cho 03 xã An Khánh, La Phù và Đông La đã cơ bản hoàn thành từ năm 2014).

Để hoàn thành chỉ tiêu đến năm 2018, phấn đấu 90% dân số trên địa bàn huyện được cấp nước sạch, UBND huyện Hoài Đức đang chỉ đạo 2 nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dự án cấp nước sạch nông thôn. Phấn đấu đến Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, mạng lưới cấp nước sạch phủ kín địa bàn 8 xã: Vân Canh, Di Trạch, Lại Yên, Kim Chung, Song Phương, Sơn Đồng, Vân Côn, An Thượng.

Song song với việc triển khai thực hiện dự án cấp nước sạch của các nhà đầu tư, UBND huyện Hoài Đức thường xuyên chỉ đạo các phòng, ban, ngành, đoàn thể huyện, UBND các xã, thị trấn tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, giải quyết nhanh thủ tục và những khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư; thực hiện việc xét nghiệm mẫu nước sinh hoạt, nước giếng khoan mà người dân đang sử dụng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về nước sạch nông thôn và tạo thói quen sử dụng nước sạch trong sinh hoạt, ăn uống; giám sát chặt chẽ chất lượng thi công hoàn trả mặt bằng, yêu cầu các nhà đầu tư nghiêm túc thực hiện công tác đảm bảo an toàn giao thông, vệ sinh môi trường trong suốt quá trình thi công.

Với tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý gần với trung tâm Thủ đô, giao thông thuận lợi với các trục hướng tâm như Đại lộ Thăng Long, Quốc lộ 32…, Hoài Đức đang có tốc độ đô thị hóa nhanh. Năm 2017, huyện Hoài Đức được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn Nông thôn mới. Dự án cấp nước sạch nông thôn nhằm cải thiện và nâng cao chất lượng sống được nhân dân trên địa bàn huyện phấn khởi, mong mỏi có nước sạch để sử dụng. Tiếp xúc với người dân nơi đây, tất cả đều mong chờ dòng nước sạch về với hộ gia đình của mình. Một bầu không khí phấn khởi, vui mừng tràn ngập các xã, nơi những dòng nước sạch đang về với từng gia đình.

Việc hoàn thành tiêu chí nước sạch nông thôn vào năm 2018 là một trong những tiền đề để huyện Hoài Đức thực hiện Đề án xây dựng Hoài Đức trở thành quận vào năm 2020. Tất cả Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện Hoài Đức đang nỗ lực từng ngày, vượt các chỉ tiêu về kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng... để xây dựng Hoài Đức ngày càng phát triển, xứng đáng với sự kỳ vọng của lãnh đạo các cấp...