Nạn trộm danh tính hoành hành ở Trung Quốc

ANTĐ - Giữ an toàn thông tin liên quan tới nhân dạng đang là vấn đề lớn ở Trung Quốc. Trong một báo cáo hồi năm ngoái, Hiệp hội xã hội internet Trung Quốc cho biết, 78,2% cư dân nước này đã bị lộ các thông tin cá nhân như tên tuổi, địa chỉ hay số thẻ căn cước. 

Tình trạng ăn cắp danh tính đang rộ lên ở Trung Quốc

Bỗng nhiên thành cư dân bất hợp pháp

Là một trong nhiều nạn nhân bị kẻ xấu lợi dụng thông tin cá nhân, Vương Na Na, chủ một cửa hàng photocopy cho biết, năm ngoái là thời gian khủng khiếp nhất trong cuộc đời cô. Mọi việc bắt đầu khi người phụ nữ 33 tuổi đến từ thành phố Chu Khẩu, tỉnh Hà Nam này nộp đơn đăng ký một khoản vay ngân hàng. Tuy nhiên, đơn của cô bị từ chối sau khi ngân hàng kiểm tra thẻ tín dụng và thông báo rằng Vương đã điền thông tin không chính xác vào tờ giấy mẫu để đăng ký vay tiền. 

Những kỳ lạ được giải đáp khi Vương phát hiện ra ai đó đã sử dụng danh tính của cô để làm nhiều việc giả mạo. Theo kết quả kiểm tra của ngân hàng, Vương đã tốt nghiệp trường Cao đẳng Dạy nghề và kỹ thuật ở Chu Khẩu năm 2006, cho dù cô nói rằng chưa bao giờ học tại trường này. 

“Tôi như chết lặng, không thể tin rằng người khác đã đánh cắp ước mơ của mình” - cô Vương cho biết. Theo Vương, trước đây cô thi trượt cao đẳng. Tuy nhiên, thực tế Vương đã đỗ cao đẳng, chỉ có điều, giấy thông báo trúng tuyển hồi năm 2003 của cô đã bị một người đàn ông lấy. Người này là cha của Trương Anh Anh - cô gái đã nhập học dưới tên của Vương Na Na. Khi tốt nghiệp, Trương cầm tấm bằng với ảnh của cô ta, nhưng tên là Vương Na Na và số thẻ căn cước của Vương. Hiện Trương Anh Anh đang là giáo viên tại một trường dạy nghề.

Cảnh sát phát hiện, giấy tuyển sinh của Vương không được gửi tới nhà cô ở huyện Trầm Khâu, thành phố Chu Khẩu, mà lọt vào tay bố của Trương Anh Anh ở huyện láng giềng Thương Thủy. Ông Trương thú nhận đã hối lộ giáo viên phụ trách chuyển giấy trúng tuyển để có được giấy báo tuyển sinh của Vương. Ông này cũng hối lộ cảnh sát để làm một hộ khẩu và thẻ căn cước giả cho con gái mình. 13 người được cho rằng dính líu tới vụ việc này đã bị bắt giữ, 3 người trong đó là đối tượng đã chế giấy tờ hộ khẩu giả. 

Trong khi đó, Lưu Hồng Lê, cũng ở Chu Khẩu, đã rất sốc khi phát hiện hộ khẩu và thẻ căn cước của cô được đăng ký tại Bắc Kinh mà cô không biết gì và cảnh sát đã thất bại trong việc thông tin tới Lưu rằng hộ khẩu của cô bị hủy bỏ hồi năm 2010. “Nói cách khác, tôi là “hộ đen” - cư dân bất hợp pháp trong 6 năm qua” - cô Lưu, 35 tuổi bức xúc. Sau khi mất nhiều thời gian qua lại các cơ quan an ninh để chứng minh danh tính, đầu tháng 5, cô Lưu đã được cấp một hộ khẩu mới, trường hợp của cô cũng đang trong quá trình điều tra.

Năng lực quản lý yếu kém

Các vụ việc trộm cắp danh tính đã có sự dao động lớn ở Trung Quốc trong những năm gần đây. Năm 2009, gần 1,7 triệu người sở hữu giấy chứng nhận hộ khẩu bị trùng. Năm 2013, cảnh sát đã hủy 790.000 hộ khẩu giả. Con số này đã tăng lên đến 2,5 triệu trường hợp vào năm 2014, nhưng tháng 3 năm ngoái, nó giảm xuống chỉ còn 486 vụ việc, theo thống kê của một cơ quan Nhà nước Trung Quốc vào tháng 12-2015.

Hiện, 30 tỉnh, thành phố và khu tự trị ở Trung Quốc đang thiết lập một hệ thống để ngăn chặn tình trạng trộm cắp danh tính. Hệ thống này sẽ bảo đảm được thông tin của một cá nhân khi chuyển cho cơ quan chính quyền là chính xác và thẻ căn cước, hộ khẩu trùng khớp với tên của cá nhân đó, theo Bộ Công an Trung Quốc. 

Các chuyên gia pháp lý cho biết, những trường hợp như của cô Vương và Lưu chỉ là đỉnh của tảng băng chìm cho thấy khả năng quản lý yếu kém về bảo mật thông tin cá nhân tại Trung Quốc. Những giấy tờ như hộ khẩu và thẻ căn cước là tài liệu quan trọng nhất trong cuộc đời một cư dân nước này. Hơn nữa, sẽ có khác biệt trong các mức trợ cấp đối với cư dân sống ở nông thôn và thành thị, chẳng hạn: trợ cấp thất nghiệp ở nông thôn sẽ thấp hơn ở thành phố. Do đó, việc chặn đứng hành vi đánh cắp danh tính là vô cùng quan trọng.

Nguyễn Xuyên Sinh, một luật sư hình sự ở thành phố Thượng Hải cho biết, việc làm giả giấy tờ nhân dạng sẽ chỉ được loại trừ nhờ việc siết chặt thực thi pháp luật của các cơ quan an ninh công cộng và Văn phòng Chính phủ. Theo luật sư Nguyễn, trong ngắn hạn, tình trạng ăn cắp danh tính cần được giảm nhờ biện pháp kiểm tra và xử lý nghiêm, đồng thời cần nâng cao nhận thức cho người dân để tự bảo vệ mình. Trong dài hạn, chính quyền cần đầu tư công nghệ hiện đại để xây dựng hệ thống bảo mật hiệu quả hơn.

Theo một nữ cảnh sát họ Phùng chuyên về việc đăng ký hộ khẩu ở Thượng Hải, hiện giờ, một số doanh nghiệp, trong đó có ngân hàng, đang tìm hiểu cách sử dụng thông tin sinh trắc học, như dấu vân tay để xác định danh tính khách hàng, điều này cũng là một cách tốt để giảm số kẻ giả mạo.