- Những ưu tiên của Việt Nam trong nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc
- Tổng kiểm tra, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ
Bộ đội công binh đang tiến hành rà phá bom mìn
Bộ LĐ-TB&XH cho biết, từ năm 1975 đến nay, bom mìn tồn sót đã làm hơn 40.000 người bị chết, 60.000 người bị thương, trong đó phần lớn là người lao động chính trong gia đình và trẻ em. Chỉ tính riêng tại một số tỉnh miền Trung (Quảng Bình, Bình Định, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Quảng Ngãi), đã có trên 22.800 nạn nhân do bom mìn, trong đó, 10.540 người chết và 12.260 người bị thương.
Ngay sau khi kết thúc chiến tranh, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã quan tâm đến việc khắc phục hậu quả bom mìn, tổ chức rà phá bom mìn, trợ giúp xã hội cho nạn nhân bom mìn tái hoà nhập cộng đồng và tuyên truyền, giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn cho nhân dân.
Đến nay, 100% các xã, phường, thị trấn toàn quốc đã tiến hành xác định, phân loại, xếp hạng và cấp thẻ cho người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng và khuyết tật nhẹ (trong đó có nạn nhân bom mìn, nạn nhân chất độc hóa học). Năm 2019 đã có gần 3 triệu người khuyết tật được cấp giấy xác nhận khuyết tật theo quy định.
Năm 2019 ngân sách nhà nước đã bố trí cho địa phương 17.517 tỷ đồng để thực hiện Nghị định số 136/2013/NĐ-CP (bao gồm trợ cấp hàng tháng và mua thẻ bảo hiểm y tế cho đối tượng bảo trợ xã hội) và 131 tỷ đồng thực hiện chính sách hỗ trợ về giáo dục đối với người khuyết tật.
Về chăm sóc y tế và phục hồi chức năng (bao gồm nạn nhân bom mìn và chất độc hóa học), năm 2019, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Bộ Y tế tập trung nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Khám bệnh, chữa bệnh, trong đó quy định về phục hồi chức năng và phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng; Sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế trong đó có mục tiêu tăng phạm vi và độ bao phủ chi trả bảo hiểm y tế cho người khuyết tật.
Bộ LĐ-TB&XH cũng đã nghiên cứu xây dựng Đề án phát triển hệ thống y tế lao động xã hội giai đoạn 2021 - 2030 trong đó tập trung các mục tiêu phát triển các cơ sở sản xuất dụng cụ chỉnh hình và phục hồi chức năng cho người khuyết tật.
Đến nay, cả nước có 50 tỉnh, thành phố triển khai Chương trình Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng, trong đó có 18 tỉnh triển khai toàn bộ các huyện, các xã. Hệ thống bệnh viện, trung tâm, các cơ sở chuyên khoa và các khoa phục hồi chức năng tiếp tục được củng cố và phát triển từ Trung ương đến địa phương với 63 Bệnh viện/Trung tâm phục hồi chức năng, 100% bệnh viện đa khoa tuyến trung ương và tuyến tỉnh có khoa phục hồi chức năng và cung cấp dịch vụ phục hồi chức năng ngay tại bệnh viện cho người bệnh, đặc biệt người bệnh mãn tính, người bệnh bị các chấn thương cấp tính, sau phẫu thuật.
Năm 2019, đã hỗ trợ cấp dụng cụ trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, phục hồi chức năng cho 6.447 người khuyết tật, sàng lọc cho 8.000 trẻ dưới 6 tuổi và cho 25.000 người nhằm phát hiện sớm các vấn đề về sức khỏe, 810.000 bà mẹ mang thai đạt 58% được khám sàng lọc trước sinh, sàng lọc 494.000 trẻ sơ sinh đặt 40% trẻ sinh ra...
Hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống bom mìn (4/4), năm nay, Ban Chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam (Ban Chỉ đạo 701), Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam (VNMAC) tổ chức và phát động Cuộc thi trực tuyến: “Nâng cao nhận thức phòng, tránh tai nạn bom mìn và vật liệu nổ do chiến tranh để lại ở Việt Nam”, trên Trang Thông tin điện tử của Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam tại địa chỉ: htt://vnmac.gov.vn/. Cuộc thi nhằm mục đích đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức phòng, tránh tai nạn bom mìn, vật nổ do chiến tranh để lại ở Việt Nam đến đông đảo tầng lớp nhân dân cả nước.