Nạn buôn “hàng lạnh” vùng biên vẫn “nóng”

ANTĐ - Trong phần lớn các vụ tàng trữ trái phép, sử dụng vũ khí thô sơ gây án... xảy ra tại Hà Nội, các đối tượng bị bắt đều khai mua “hàng lạnh” ở Lạng Sơn. Để tìm hiểu “nguồn” vũ khí, chúng tôi quay ngược về tỉnh biên giới này.

Nạn buôn “hàng lạnh” vùng biên vẫn “nóng” ảnh 1
Công an tỉnh Lạng Sơn kiểm tra vũ khí thô sơ được 

phát hiện, thu giữ từ các đối tượng buôn lậu qua biên giới

Đại diện Công an tỉnh Lạng Sơn cho biết, Lạng Sơn là địa bàn biên giới hiểm trở, tình hình nhập lậu, mua bán, tàng trữ vận chuyển và sử dụng các loại vũ khí thô sơ như dao, kiếm, mã tấu do Trung Quốc sản xuất luôn diễn biến khó lường. Theo phân tích của cơ quan công an, do có nhiều đường mòn, đường tắt qua lại biên giới và nhiều khu chợ đường biên, nên việc ngăn chặn hoạt động nhập lậu dao kiếm, công cụ bạo lực vào địa bàn Lạng Sơn gặp rất nhiều khó khăn. Với tinh thần kiên quyết, đấu tranh mạnh với các hành vi buôn bán vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ trái phép do Trung Quốc sản xuất, nhập lậu vào Lạng Sơn, lực lượng công an sở tại đã chủ động tham mưu cho các cấp ủy chính quyền, các ban ngành, tổ chức đoàn thể vận động nhân dân giao nộp vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ trái phép, đồng thời tăng cường đấu tranh, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng quản lý khu vực biên giới kịp thời phát hiện, bắt giữ nhiều vụ vận chuyển vũ khí thô sơ theo đường tiểu ngạch. 

Tuy nhiên gần đây, các đối tượng sử dụng ngày càng nhiều thủ đoạn tinh vi. Trong đó, chiêu “bỏ của chạy lấy người” được sử dụng nhiều nhất. Khi bị phát hiện, lập tức số hàng cấm sẽ trở thành hàng vô chủ. 17h30 ngày 7-8, Phòng CSHS Công an tỉnh Lạng Sơn đã phát hiện một số đối tượng nghi vấn, đưa hàng vào một nhà dân ở thôn Cốc Nam, xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng. Tổ công tác đã kiểm tra, thu giữ một bao hàng bên trong chứa 20 thanh đao và 20 chiếc phi tiêu do Trung Quốc sản xuất. Chủ nhà cho biết đã cho thuê căn nhà này, nên không biết số hàng đó là của ai?! Theo các cán bộ Phòng CSHS Công an tỉnh Lạng Sơn, chủ hàng biết rõ nếu bị bắt sẽ bị xử phạt rất nặng, nên không trực tiếp “nhúng tay” mà đóng hàng vào các thùng carton, rồi thuê người vận chuyển. Khi bị phát hiện, họ sẵn sàng bỏ của chạy lấy người. 

“Bị truy quét mạnh, nên các đối tượng hoạt động kín đáo hơn với nhiều thủ đoạn để qua mặt lực lượng chức năng. Tại các chợ trung tâm thành phố và các chợ cửa khẩu không hề có hàng bày bán công khai. Khách có nhu cầu đặt hàng, chỉ cần một cuộc điện thoại và sau vài phút, hàng từ một địa điểm nào đó sẽ được điều đem đến. Bất kể loại hàng gì cũng sẽ được đáp ứng nhanh chóng” - Thiếu tá Tạ Văn Thế, cán bộ Phòng Cảnh sát QLHC về TTATXH - Công an tỉnh Lạng Sơn cho biết thêm: “Biết là hàng cấm, khi bị bắt sẽ bị xử phạt hành chính rất nặng và tiếp tục tái phạm sẽ bị xử lý hình sự, nhưng do hám lợi nên nhiều người vẫn lén lút vượt biên trái phép để thu mua vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ do Trung Quốc sản xuất với giá rẻ, rồi tìm mọi cách để đưa sâu vào nội địa tiêu thụ với giá cao. Thủ đoạn phổ biến là giấu hàng lẫn với các loại hàng hoá khác, giao cho nhiều đối tượng vận chuyển từng chặng, hoặc gửi hàng trên các xe   ô tô chở khách. Nếu bị phát hiện, lập tức hàng trở thành vô chủ gây khó khăn rất lớn cho công tác xác minh, điều tra xử lý. 

Trong quá trình đấu tranh, Công an tỉnh Lạng Sơn còn phát hiện tại một số chợ có những người bán hàng rong luôn thường trực chào mời khách du lịch mua dao kiếm các loại. Lực lượng công an phải sử dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ để quản lý địa bàn, nắm tình hình, tổ chức công tác trinh sát bí mật mới bắt quả tang được đối tượng cùng tang vật. Trong tháng 8-2012, Công an tỉnh Lạng Sơn đã phát hiện, bắt giữ được 28 vụ buôn bán, vận chuyển vũ khí thô sơ do Trung Quốc sản xuất, thu giữ nhiều đao kiếm, súng bắn đạn sắt, đạn nhựa, dùi cui điện, côn sắt, song con số này vẫn chỉ như “muối bỏ bể”... Với địa hình đồi núi hiểm trở, nhiều đường mòn, đường tắt, khiến công tác kiểm tra, kiểm soát hàng hóa, người qua lại biên giới rất khó khăn. Lực lượng đấu tranh mỏng, trong khi đó đông đảo đội quân “cửu vạn” là người bản địa lại rất thông thạo địa hình, sẵn sàng mang vác hàng thuê bất cứ thời điểm nào. Chỉ cần vài chục nghìn là bao hàng nặng hàng chục kilôgam, được khuân qua biên giới nhanh chóng. Vì miếng cơm manh áo, vô tình những người “cửu vạn” đã tiếp tay để hàng cấm tuồn sâu vào nước ta. Khó khăn rất nhiều, nhưng không phải ai cũng hiểu. Do vậy, tình trạng buôn bán vận chuyển vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ tại biên giới vẫn như một bài toán khó chưa có lời giải.