- Bộ Công Thương hoàn tất bàn giao việc xử lý 12 dự án thua lỗ
- Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ: Điểm sáng trong xử lý 12 dự án chưa hiệu quả
Dự án Đạm Hà Bắc lần đầu tiên có lãi vào năm 2021 |
Thông tin tại buổi Tọa đàm " Xử lý các dự án yếu kém: Bài học kinh nghiệm và hướng đi tiếp theo" do Cổng Thông tin Chính phủ điện tử tổ chức sáng nay (5-4), TS Nguyễn Sĩ Dũng- nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc Hội cho biết, liên quan đến việc các dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành Công Thương, hiện đã có 1 doanh nghiệp là DAP-1 Hải Phòng thuộc Tập đoàn Hóa chất cơ bản khắc phục các tồn tại yếu kém, sản xuất kinh doanh có lãi.
Bốn dự án, doanh nghiệp khác thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam gồm: Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ; Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước; Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Dung Quất; Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyester Đình Vũ cơ bản không còn vướng mắc về cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền của cơ quan Nhà nước. Như vậy, hiện chỉ còn 7 dự án yếu kém ngành Công Thương, đang tiếp tục được xử lý.
Ông Hồ Sỹ Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho biết, việc xử lý khó khăn cho 5 dự án này là một quá trình dài. Đến nay, 5 dự án này đều bám sát các mục tiêu cụ thể: Khắc phục thua lỗ, thậm chí có lãi.
Đơn cử như nhà máy sản xuất xơ sợi Polyester Đình Vũ cũng theo hướng mới, là cơ hội mở ra cho doanh nghiệp để lựa chọn các nhà đầu tư mới để thích ứng với thị trường hiện nay, tạo đà phát triển mới cho doanh nghiệp.
Chia sẻ về giải pháp giúp các dự án “thoát khỏi” danh mục dự án yếu kém ngành Công Thương, ông Nguyễn Hữu Tú- Thành viên HĐTV Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam cho biết, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đã thành lập 1 Ban Chỉ đạo thường xuyên chỉ đạo vấn đề này, trực tiếp đồng chí Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV là Trưởng Ban Chỉ đạo, các tổ chỉ đạo tại 4 đơn vị này và đưa ra các giải pháp, thực hiện từ khâu quản trị nguyên liệu đầu vào, quản trị sản xuất và quản trị quy trình đầu ra.
Giải pháp cụ thể là thực hiện ngay việc tiết giảm chi phí, rà soát lại toàn bộ chi phí không cần thiết để cắt giảm. Thứ hai là hợp lý hóa quy trình sản xuất ở tất cả các khâu. Ví dụ số lượng đầu mối từ khi bước vào dự án là 32 thì đến thời điểm này còn 24 đầu mối.
Cùng với đó, Tập đoàn tiếp tục cắt giảm, ứng dụng công nghệ thông tin, hợp lý hóa quy trình sản xuất. Số lượng định biên lao động ban đầu là khoảng hơn 2.000, bắt vào dự án còn 1.700, giờ chỉ còn hơn 1.200 (bằng 60% định biên)…
“Ba dự án còn lại, đến năm 2021, dự án đạm Hà Bắc lần đầu tiên sau 5 năm đi vào vận hành và đã có lãi; Dự án đạm Ninh Bình và dự án DAP số 2 Lào Cai cũng đã cắt lỗ hàng nghìn tỷ”- ông Nguyễn Hữu Tú nói.
Theo TS. Nguyễn Sĩ Dũng, việc xử lý các dự án thua lỗ này không có phương án tuyệt đối tốt, mà chỉ có phương án tối ưu, làm sao để xử lý với mức thiệt hại thấp nhất cho Nhà nước, đem lại hiệu quả tốt nhất có thể.
Với 7 dự án yếu kém còn lại, ông Hồ Sỹ Hùng- Phó Chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho biết, các dự án này vẫn gặp 2 vấn đề vướng mắc lớn là: vướng mắc về Hợp đồng EPC (Hợp đồng nhà thầu trọn gói đối với các dự án này).
Trong hợp đồng của tất cả các dự án này đang có sự tranh chấp giữa chủ đầu tư và nhà thầu về nội dung, bao gồm cả khối lượng, thiết bị, chủng loại thiết bị, kể cả áp dụng chính sách thuế ở Việt Nam. Nếu không giải quyết vấn đề này thì không mở cho doanh nghiệp khả năng cạnh tranh trên cùng một mặt bằng so với các doanh nghiệp khác (tức là chi phí tài chính phải tương đương).
Hai là chưa giải thoát được Hợp đồng EPC thì doanh nghiệp chưa chủ động hoạt động được các dây chuyền và quá trình sản xuất kinh doanh của mình.