Năm 2023 là năm nóng kỷ lục, 2024 thời tiết vẫn nóng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Năm 2023, El Nino tác động đến toàn cầu, trong đó có Việt Nam, xác lập các kỷ lục về nhiệt độ, năm 2023 là năm nóng nhất từ trước đến nay.

Ông Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn, Bộ TN-MT cho biết, năm 2024 dự báo tiếp tục là năm nóng, trong đó nửa đầu năm sẽ nắng nóng, thiếu nước, hạn hán, còn nửa cuối năm xuất hiện mưa bão nhiều hơn.

Theo ông Cường, năm 2023, dưới tác động của hiện tượng El Nino gây nên nắng nóng kỷ lục, thiếu nước khô hạn, mưa lớn ở Trung bộ,… Năm qua, tần suất xảy ra dông lốc trên đất liền và trên biển nhiều hơn, gây tai nạn tàu thuyền, ngư dân.

"Năm 2023, El Nino tác động đến toàn cầu, trong đó có Việt Nam, xác lập các kỷ lục về nhiệt độ, năm 2023 là năm nóng nhất từ trước đến nay. Dự báo năm 2024 tiếp tục là năm nóng, nhưng không bằng năm 2023" - ông Cường nói, và cho biết biến đổi khí hậu đang tác động từng ngày, từng giờ, thay vì khái niệm "nóng lên toàn cầu" thành "nung nóng toàn cầu".

Năm 2023 được ghi nhận là năm nóng kỷ lục

Năm 2023 được ghi nhận là năm nóng kỷ lục

Dự báo năm 2024 hiện tượng El Nino (pha nóng) có thể kéo dài đến giữa năm. Sau đó chuyển sang pha trung tính và chuyển sang La Nina (pha lạnh) trong nửa cuối năm.

"Mùa đông năm nay có xu hướng ấm hơn, ẩm hơn. Nửa đầu năm thiên hướng nắng nóng, thiếu nước, hạn hán ở Bắc bộ, đặc biệt Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam bộ. Các khu vực này nguy cơ gây thiếu nước ngọt, thiếu nước sinh hoạt và thiếu nước sản xuất.

Từ giữa năm đến cuối năm, nhiệt độ có xu hướng thấp hơn trung bình nhiều năm, mưa nhiều hơn. Dưới tác động của La Nina, khả năng bão hoạt động nhiều hơn trên Biển Đông trung bình nhiều năm. Bão có thể không mạnh nhưng mưa do bão lớn hơn, kéo dài ngày, trọng tâm ở khu vực Trung bộ" - ông Cường nhận định.

Trước dự báo trên, ông Cường đề nghị cần tập trung truyền thông hướng dẫn các địa phương kiểm tra phòng ngừa hiện tượng thiên tai cực đoan như dông, lốc, gió mạnh trên biển gây thiệt hại tàu thuyền của người dân.

"Vấn đề hạn hán, mưa lớn gây lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi. Đề phòng mưa lớn cục bộ gây ngập lụt đô thị. Do đó, cần tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, phương án ứng phó của các bộ, ngành, địa phương" - ông Cường nói thêm.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị các Bộ ngành, địa phương cần lưu ý đến dự báo trong năm 2024 sẽ có một số đợt thiên tai cực đoan, mang tính chu kỳ lặp lại 60 năm nên có thể thiên tai sẽ khốc liệt, khó lường. Do đó, phải chủ động lường trước các đợt thiên tai này để chủ động ứng phó.

Ông Phạm Đức Luận - Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai, Bộ NN&PTNT thông tin, thiên tai năm 2023 xảy ra cực đoan trên các vùng miền với 1.145 trận thiên tai.

"Năm bất thường khi số lượng bão, áp thấp nhiệt đới ít hơn rất nhiều so với trung bình nhiều năm và không có cơn bão nào đổ bộ vào đất liền. Thống kê từ năm 1945 đến nay thì đây là năm thứ 3 Việt Nam không có cơn bão đổ bộ vào đất liền" - ông Luận nói.

Tuy nhiên sạt lở đất, lũ quét, lũ, ngập lụt trên diện rộng đã gây thiệt hại lớn về người, tài sản, cơ sở hạ tầng, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của nhân dân.

Thiên tai năm qua làm 169 người chết, mất tích, tổng thiệt hại về kinh tế khoảng 8.236 tỷ đồng.