Năm 2021: Người lao động về hưu nhận lương tối đa 75% phải đóng bao nhiêu năm BHXH?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Theo Luật Bảo hiểm xã hội 2014, mức hưởng lương hưu tối đa là 75% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Vậy với những người về hưu năm 2021 phải đóng bao nhiêu năm BHXH mới được hưởng lương theo tỷ lệ này?

Cũng theo Luật BHXH, với lao động nam, việc tính mức lương hưu hàng tháng của họ trong năm 2021 được thực hiện theo nguyên tắc đóng đủ 19 năm BHXH thì được 45%. Sau đó, cứ thêm mỗi năm đóng BHXH được tính thêm 2%.

Như vậy, để được nhận lương hưu với tỷ lệ tối đa 75%, lao động nam đủ điều kiện về hưu năm 2021 phải đóng từ đủ 34 năm BHXH.

Với lao động nữ, việc tính mức lương hưu hàng tháng của lao động nữ năm 2021 thực hiện theo nguyên tắc: Đóng đủ 15 năm BHXH thì được 45%, sau đó, cứ thêm mỗi năm đóng BHXH, được tính thêm 2%.

Như vậy, lao động nữ đủ điều kiện về hưu năm 2021, để được nhận lương hưu với tỷ lệ tối đa 75% phải đóng từ đủ 30 năm BHXH.

Để được nhận lương hưu với tỷ lệ tối đa 75%, lao động nam đủ điều kiện về hưu năm 2021 phải đóng từ đủ 34 năm BHXH (ảnh minh họa)

Để được nhận lương hưu với tỷ lệ tối đa 75%, lao động nam đủ điều kiện về hưu năm 2021 phải đóng từ đủ 34 năm BHXH (ảnh minh họa)

Đối với những người lao động tham gia BHXH bắt buộc, về hưu trước tuổi do suy giảm khả năng lao động, bị trừ tỷ lệ hưởng lương hưu thì theo nguyên tắc mức hưởng lương hưu được tính như trên với mức tối đa 75%; sau đó cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định thì giảm 2%.

Về mức tiền lương tháng đóng BHXH, theo quy định hiện hành, tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động ghi trong hợp đồng lao động.

Mức tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng tại thời điểm đóng đối với NLĐ làm công việc hoặc chức danh giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường.

NLĐ làm công việc hoặc chức danh đòi hỏi lao động qua đào tạo, học nghề (kể cả lao động do doanh nghiệp tự dạy nghề) phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng;

NLĐ làm công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 5%; công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương của công việc hoặc chức danh có độ phức tạp tương đương, làm việc trong điều kiện lao động bình thường.

Người lao động có thời gian làm việc trong khu vực nhà nước trước ngày 1/1/1995 nếu đủ điều kiện hưởng nhưng chưa được giải quyết trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp một lần, trợ cấp xuất ngũ, phục viên thì thời gian đó được tính là thời gian đã đóng BHXH.