Mỹ triển khai loạt 12 tiêm kích ‘chim ăn thịt’ F-22 sát Ukraine

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Không quân Mỹ triển khai 12 tiêm kích tàng hình F-22 đến Ba Lan, nước láng giềng của Ukraine, nhằm thay thế phi đội F-35 làm nhiệm vụ phòng thủ NATO.

"12 chiến đấu cơ tàng hình F-22 thuộc Phi đoàn tiêm kích số 90 được triển khai tiền phương đến Căn cứ Không quân Chiến thuật số 32 ở Lask, Ba Lan, từ ngày 4/8 để hỗ trợ nhiệm vụ Lá chắn Đường không NATO. F-22 là mẫu tiêm kích không có đối thủ, khiến nó trở thành nền tảng chiến lược để phục vụ hoạt động này", không quân Mỹ ra thông cáo cho biết.

"Lá chắn Đường không NATO" là nhiệm vụ phòng thủ tập thể, tích hợp những đơn vị không quân và phòng không của các nước thành viên vào mạng lưới phòng thủ thống nhất do NATO chỉ huy.

Không quân Mỹ cho biết Phi đoàn số 90 sẽ tiếp quản nhiệm vụ từ Phi đoàn tiêm kích số 158 thuộc Không quân Vệ binh Quốc gia bang Vermont, đơn vị vận hành chiến đấu cơ F-35A được triển khai đến châu Âu từ đầu tháng 5 để làm nhiệm vụ tuần tra không phận NATO.

Mỗi phi đoàn F-22 chiến đấu của Mỹ được trang bị 24 máy bay, đồng nghĩa với lực lượng triển khai đến Ba Lan chiếm một nửa lượng tiêm kích F-22 của Phi đoàn số 90. Giới chuyên gia quân sự đánh giá đây là đợt triển khai F-22 với quy mô lớn chưa từng có. Những lần F-22 Mỹ đến Ba Lan trước đây chỉ sử dụng biên đội hai chiếc và đóng quân ngắn ngày, nhằm thể hiện thiện chí và trấn an đồng minh.

Đây là một phần trong nỗ lực của Mỹ và các đồng minh nhằm tăng hiện diện không quân ở sườn đông NATO. Tướng về hưu Tod Wolters, cựu chỉ huy Bộ tư lệnh châu Âu của quân đội Mỹ, hồi tháng 5 cho biết 120 tiêm kích NATO đã được đặt trong trạng thái sẵn sàng cao từ khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine hồi cuối tháng 2. "Số tiêm kích tuần tra bầu trời cũng tăng 50%", ông nói.

F-22 mang biệt danh Raptor nghĩa là “Chim ăn thịt”, nó có chuyến bay đầu tiên vào năm 1997, chính thức đi vào biên chế năm 2005, và lần thực chiến đầu tiên là nhiệm vụ phá hủy bộ chỉ huy của quân khủng bố IS vào năm 2016.

F-22 Raptor sở hữu những công nghệ đỉnh cao trong lĩnh vực quân sự như: có khả năng tàng hình, có thể bay hành trình với vận tốc siêu âm mà không cần đốt tăng lực động cơ lần 2. F-22 Raptor cũng được trang bị một radar mảng pha chủ động tiên tiến thế hệ mới mạnh nhất thế giới hiện nay.

Theo các chuyên gia quân sự, sức mạnh và hiệu năng chiến đấu của một chiếc Raptor có thể cao hơn 4 đến 5 lần máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4, nghĩa là một chiếc F-22 Raptor có thể đối đầu và giành thắng lợi trong không chiến với 4 chiếc tiêm kích thế hệ thứ 4 (MiG-29, Su-27, Su-30...) một lúc, ở chế độ tàng hình, F-22 mang được khoảng 3 tấn vũ khí, khi bỏ chế độ tàng hình, tức treo cả vũ khí bên các mấu ngoài, loại chiến đấu cơ này có thể mang khoảng 7,5 tấn vũ khí. Tuy mang trong mình đỉnh cao công nghệ và không ít đồng minh thân cận của Mỹ như Nhật Bản, Israel mong muốn sở hữu, nhưng Washington đều lắc đầu không bán.

Việc xuất khẩu F-22 bị ngăn cản bởi cái gọi là “Đạo luật Obey”. Nghị sĩ Mỹ David Obey lo ngại rằng, một số công nghệ nhạy cảm và bí mật được sử dụng để phát triển F-22, trong đó phải kể đến các tính năng tàng hình độc đáo, có thể bị đối thủ của Mỹ phát hiện và sao chép nếu Washington xuất khẩu tiêm kích này.

Ông David Obey đã bổ sung một sửa đổi cho Đạo luật cấp ngân sách cho quốc phòng năm 1988. Sửa đổi của ông chỉ là một câu duy nhất: “Không có khoản tiền nào trong đạo luật này có thể được sử dụng để phê duyệt hoặc cấp phép cho việc bán máy bay chiến đấu F-22 cho bất cứ chính phủ nước ngoài nào”.

Điều này đã quyết định tương lai của F-22, biến nó thành dòng máy bay chỉ được sử dụng trong quân đội Mỹ. Trong quá trình phát triển F-22 (chương trình Máy bay chiến đấu tiên tiến), Không quân Mỹ ban đầu ước tính sẽ mua số lượng lớn khoảng 750 tiêm kích, nhưng hiện nay số lượng họ sở hữu chỉ có 187 chiếc.

Ngoài sự hạn chế của Đạo luật Obey, số lượng máy bay sản xuất trong chương trình F-22 cũng bị giảm quy mô do sự thay đổi tình hình. Chương trình F-22 ban đầu được thực hiện để đối phó với các máy bay chiến đấu tiên tiến trong kho vũ khí của Liên Xô.

Sau khi Liên Xô tan rã vào đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, đã không còn bất kỳ mối đe dọa thực sự lớn nào đối với nước Mỹ vì thế họ không phải cần đến số lượng lớn máy bay F-22. Không quân Mỹ đang có kế hoạch duy trì hoạt động của F-22 đến những năm 2060 thông qua việc nâng cấp vũ khí để xây dựng nền tảng kỹ thuật cần thiết, giúp F-22 có thể mang được các loại tên lửa đất đối không thế hệ mới trong những năm tới.