Mỹ tính đưa vũ khí laze lên tàu sân bay

ANTĐ - Hải quân Mỹ đang đặt rất nhiều hi vọng vào vũ khí laze và các loại năng lượng trực tiếp khác khi cho rằng, nó có thể thay thế các hệ thống tên lửa, tấn công với độ chính xác cao hơn.

Theo lời Đô đốc Michael Manazir, hải quân Mỹ hiện đang cân nhắc trang bị cho các tàu sân bay thế hệ mới vũ khí laze. Hiện tại, nó chỉ được sử dụng với mục đích phòng thủ, tuy nhiên, ông Manazir tin rằng với sự phát tiển của công nghệ, nó sẽ dần biến thành cả vũ khí tấn công.

Mỹ tính đưa vũ khí laze lên tàu sân bay ảnh 1Mỹ cho rằng tàu sân bay là cơ sở hoàn hảo để trang bị vũ khí laze, do nó có thể tạo ra được nguồn năng lượng điện lớn 

Tàu sân bay USS Gerald Ford có khả năng tạo ra nguồn năng lượng 13.800V, gấp 3 lần tàu sân bay lớp Nimitz chỉ tạo ra được năng lượng 4.160V. Một phần trong đó được dùng để vận hành hệ thống phóng máy bay điện từ, tuy nhiên, sau đó, nó vẫn còn đủ điện năng để điều khiển hệ thống vũ khí laze.

Bằng việc đặt một hệ thống vũ khí năng lượng trực tiếp trên tàu sân bay, hải quân Mỹ có thể khắc phục một vài vấn đề mà hệ thống đánh chặn tên lửa cũ đang gặp phải. Thứ nhất là việc xây dựng và vận hành các hệ thống đánh chặn trên tàu chiến thường rất tốn kém. Ngoài ra, các tàu sân bay cũng không có nhiều diện tích để đặt các vũ khí phòng thủ do còn phải tiết kiệm không gian cho những tên lửa tấn công và máy bay.

Trên thực tế, Mỹ đã vận hành một hệ thống vũ khí năng lượng trực tiếp có tên hệ thống vũ khí laze (LaWS), đặt trên tàu USS Ponce. Hiện nó đang được sử dụng để loại trừ các mối nguy hiểm từ máy bay không người lái (UAV) của Iran và các thuyền nhỏ có thể gây hại đến tàu Mỹ ở Vịnh Persian.

Điểm lợi của vũ khí laze là mỗi phát bắn ra chỉ tốn khoảng 1 USD, tuy nhiên, nó cũng có yếu điểm là độ chính xác phụ thuộc vào điều kiện thời tiết, bụi, hơi nước trong không khí, ngoài ra, tầm bắn của hệ thống này được Mỹ giữ bí mật.