Mỹ thoát vỡ nợ, kinh tế thế giới tránh được tác động tiêu cực

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Chỉ 2 ngày trước thời điểm chính phủ liên bang không còn tiền để thanh toán các khoản chi phí (ngày 5-6), Nhà Trắng thông báo Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký ban hành luật về trần nợ công sau nhiều tuần tranh cãi, ngăn chặn một vụ vỡ nợ với những hậu quả thảm khốc với kinh tế Mỹ và thế giới.
Việc Quốc hội Mỹ đạt được thỏa hiệp về trần nợ công đã giúp nước này thoát khỏi vỡ nợ

Việc Quốc hội Mỹ đạt được thỏa hiệp về trần nợ công đã giúp nước này thoát khỏi vỡ nợ

Nước Mỹ đã có thể thở phào nhẹ nhõm

Cụ thể, ông Joe Biden đã ký ban hành Đạo luật trách nhiệm tài chính năm 2023, đình chỉ chính sách áp dụng trần nợ công để gia hạn khoản vay và duy trì việc thanh toán các hóa đơn, qua đó tránh được tình trạng vỡ nợ có thể gây ra sự hoảng loạn trên thị trường, mất việc làm diện rộng và suy thoái kinh tế, với hệ lụy ở quy mô toàn cầu.

Trước đó, Hạ viện và Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật trần nợ công sau khi Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy đạt được thỏa thuận sau nhiều cuộc thương lượng căng thẳng. Theo nội dung thỏa thuận, hai bên nhất trí đình chỉ áp mức trần nợ 31.400 tỷ USD trong 2 năm, đến ngày 1-1-2025. Ngay sau động thái này của Quốc hội Mỹ, ông chủ Nhà Trắng trên trang mạng xã hội Twitter đã hoan nghênh sự đồng thuận của lưỡng viện, coi đây là “chiến thắng lớn” đối với người Mỹ.

Tuy nhiên, ông Joe Biden cũng khẳng định: “Không ai có được mọi thứ họ muốn trong một cuộc đàm phán”. Để đổi lại cái gật đầu của phe Cộng hòa tại lưỡng viện, phe dân chủ cũng phải thỏa hiệp bằng nhất trí sẽ tiến hành các biện pháp kiểm soát chi tiêu trong khoảng thời gian 2 năm nói trên, cùng một số thay đổi khác. Dự kiến, các biện pháp này sẽ giúp Mỹ cắt giảm 1,5 nghìn tỷ USD chi tiêu ngân sách trong vòng 10 năm tới.

Đi vào cụ thể, chi tiêu ngân sách năm tài chính 2024 và 2025 bị giới hạn. Theo đó, trong năm tài chính 2024 cấp 886 tỷ USD cho ngân sách quốc phòng và 704 tỷ USD cho các hạng mục không thuộc lĩnh vực quốc phòng. Như vậy, chi tiêu ngoài lĩnh vực quốc phòng nói chung không thay đổi trong tài khóa 2024 mà chỉ tăng 1% trong tài khóa 2025. Ngoài ra, sẽ hủy bỏ khoản quỹ không bắt buộc trị giá 28 tỉ USD từ các gói cứu trợ mà quốc hội thông qua nhằm đối phó Covid-19, ngoại trừ 5 tỉ USD sẽ được giữ lại để tăng tốc phát triển vaccine và phương pháp chữa Covid-19 cho những người không có bảo hiểm. Luật trần nợ công cũng cho phép đẩy nhanh quá trình cấp phép cho một số dự án năng lượng và mở rộng yêu cầu về công việc đối với các chương trình viện trợ lương thực cho những người nhận bổ sung.

Nước Mỹ đã có thể thở phào nhẹ nhõm vì tránh được tình trạng vỡ nợ. Đánh giá sự kiện này, ông Chuck Schumer, lãnh đạo phe đa số Dân chủ tại Thượng viện, cho rằng: “một vụ vỡ nợ gần như chắc chắn sẽ gây ra một cuộc suy thoái khác. Đó sẽ là cơn ác mộng đối với nền kinh tế của chúng ta và hàng triệu gia đình Mỹ. Sẽ mất nhiều năm để phục hồi”.

Thị trường chứng khoán Mỹ đã phản ứng một cách tích cực. Cả ba chỉ số chính là S&P 500, Nasdaq Composite và Dow Jones đều tăng điểm. Chỉ số Dow Jones chứng kiến phiên tăng mạnh nhất kể từ tháng 1-2023 khi nhà đầu tư ăn mừng báo cáo việc làm tốt hơn dự báo và việc thông qua thoả thuận trần nợ giúp Chính phủ Mỹ thoát khỏi vỡ nợ. Theo CNBC, chốt phiên giao dịch hôm 2-6, chỉ số Dow Jones tăng 701,19 điểm, tương đương tăng 2,12%, chốt ở mức 33.762,76 điểm. Chỉ số S&P 500 cộng 1,45%, đạt 4.282,37 điểm. Chỉ số Nasdaq cũng leo dốc 1,07%, đạt 13.270,77 điểm, trong phiên có thời điểm chạm mức cao nhất kể từ tháng 4-2022.

Theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ, trong tháng 5, khu vực phi nông nghiệp của nền kinh tế lớn nhất thế giới có thêm 339.000 công việc mới, vượt xa mức dự báo tăng 190.000 công việc của giới chuyên gia. Báo cáo này đánh dấu tháng thứ 29 liên tiếp thị trường việc làm của Mỹ tăng trưởng dương.

Thị trường chứng khoán toàn cầu phản ứng tích cực

Việc Mỹ thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ cũng giúp nền kinh tế toàn cầu không rơi vào một cuộc khủng hoảng tài chính với nhiều hệ lụy khó có thể tính hết. Hiện tại, khoảng 60% giao dịch ngoại tệ toàn cầu được thực hiện bằng USD. Nếu Mỹ không trả được nợ, đồng USD sẽ lao dốc, tác động đến thương mại toàn cầu. Mặt khác, do nền kinh tế Mỹ mạnh nên nhiều quốc gia bảo vệ nền tài chính của mình bằng cách mua một lượng lớn trái phiếu Chính phủ Mỹ, được xem là một trong những tài sản an toàn nhất thế giới. Vì thế, việc Mỹ vỡ nợ đương nhiên làm giảm giá trị của những trái phiếu, tổn hại đến dự trữ của nhiều quốc gia.

Tâm trạng phấn khởi đã có thể cảm nhận ở nhiều nơi trên thế giới. Ở châu Âu, chỉ số chứng khoán Euro Stoxx 50 - một trong những chỉ số được theo dõi rộng rãi nhất trên toàn cầu vì là thước đo “sức khỏe” của nền kinh tế châu Âu đã tăng 0,45%; chỉ số DAX của Đức tăng 0,49%, còn chỉ số FTSE của Anh tăng 0,18%. Tại châu Á, chỉ số SSEC của Trung Quốc tăng 0,76% còn chỉ số Hang Seng tăng 3,6%. Chỉ số chứng khoán MSCI - chỉ số này theo dõi hiệu suất của thị trường chứng khoán ở 27 quốc gia đang phát triển cũng tăng 2% và có xu hướng đạt mức tăng cao nhất kể từ đầu tháng 1.

Tuy nhiên, không phải mọi chuyện đều suôn sẻ. Một trong các nội dung thỏa hiệp ở Quốc hội Mỹ là chính phủ nước này phải hạn chế chi tiêu trong 2 năm tới. Đây sẽ là thách thức mới với kinh tế Mỹ vốn đang chịu sức ép từ lãi suất cao và khả năng tiếp cận tín dụng giảm. Vài quý gần đây, chi tiêu chính phủ đã hỗ trợ tăng trưởng cho Mỹ trong bối cảnh gặp nhiều thách thức, như hoạt động xây dựng nhà ở lao dốc. Vì thế, thỏa thuận trần nợ có thể khiến động lực này bị ảnh hưởng. 2 tuần trước khi giới chức Mỹ đạt thỏa thuận, các nhà kinh tế học trong khảo sát của Bloomberg đã tính toán khả năng Mỹ rơi vào suy thoái năm sau là 65%. Điều này đương nhiên ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu.

“Cuộc chiến” nợ công cũng chưa kết thúc trên chính trường Mỹ. Thỏa thuận về trần nợ được cho là sẽ ảnh hưởng về mặt chính trị đối với Tổng thống Joe Biden thuộc đảng Dân chủ, cũng như Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy thuộc đảng Cộng hòa. Theo Bloomberg, cả 2 ông đều bị các nghị sĩ trong đảng của mình chỉ trích về việc nhượng bộ quá nhiều trong đàm phán. Thậm chí Freedom Caucus - nhóm chính trị thuộc đảng Cộng hòa tại Hạ viện dự kiến sẽ họp để thảo luận các bước tiếp theo, bao gồm nỗ lực lật đổ ông Kevin McCarthy.

Trong đảng Dân chủ, trước một số lo ngại về hạn chế trong chi tiêu, lãnh đạo đảng Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer đã phải trấn an rằng cho dù thỏa thuận trần nợ công có nội dung gì, Thượng viện sẽ tiếp tục chi tiền vượt mức nếu các thành viên thấy cần thiết. Theo Đài NBC, những vấn đề này có thể liên quan Ukraine, cạnh tranh với Trung Quốc, các ưu tiên quốc phòng, cũng như các vấn đề khẩn cấp quốc gia.