Mỹ theo dõi chặt hoạt động các giàn khoan Trung Quốc trên biển Đông

ANTĐ - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ - Jen Psaki cho biết, Mỹ sẽ theo dõi chặt chẽ hoạt động của các giàn khoan Trung Quốc trên biển Đông để có phản ứng thích hợp...
Chuyên gia Nga nhận định Trung Quốc sẽ hòa giải với Việt Nam

Trang tin Want China Times (Đài Loan) ngày 22-6 dẫn lời chuyên gia Andrei Vinogradov tại Viện Hàn lâm Khoa học Nga rằng, vẫn có khả năng Trung Quốc sẽ hòa giải với Việt Nam trong tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở biển Đông.

Mỹ theo dõi chặt hoạt động các giàn khoan Trung Quốc trên biển Đông ảnh 1
Tàu Trung Quốc dàn hàng ngăn cản các tàu của lực lượng thực thi pháp luật Việt Nam. (Nguồn: Canhsatbien.vn)


Ông Vinogradov nói rằng, sự ổn định trong khu vực sẽ bị phá hủy, nếu Trung Quốc và Việt Nam không thể tìm ra giải pháp hòa bình cho việc Bắc Kinh tự ý đem giàn khoan Hải Dương-981 (HaiYang Shiyou 981) vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Chuyên gia này nhận định, Trung Quốc cuối cùng cũng sẽ cùng Việt Nam tìm ra cách giải quyết vụ việc, vì 2 nước không chỉ là đối tác kinh tế thân cận của nhau, mà còn có chung y thức hệ chính trị.

Tuy nhiên, ông Vinogradov được cho là đã đưa ra phân tích cho rằng sẽ khó có chuyện Trung Quốc đưa hòa hoãn với Việt Nam vì điều này sẽ khiến Nhật Bản gia tăng áp lực cho Bắc Kinh trong tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông.
Trung Quốc có 16 giàn khoan ở biển Đông
Theo trang web State.gov, trong cuộc họp báo mới đây tại Washington, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ - Jen Psaki cho biết, Nhà Trắng đã nắm được thông tin về việc Trung Quốc đưa thêm nhiều giàn khoan tới biển Đông. “Hiện tại chúng tôi chưa có nhiều thông tin về địa điểm của chúng. Nếu chúng được đưa vào vùng biển tranh chấp thì đó là điều đáng lo ngại”, bà Psaki tuyên bố. 

Mỹ theo dõi chặt hoạt động các giàn khoan Trung Quốc trên biển Đông ảnh 2
Biểu tượng xanh trong vòng tròn trắng là vị trí của giàn khoan Hải Dương-981 hạ đặt trái phép trong vùng biển chủ quyền của Việt Nam. Các biểu tượng màu xanh còn lại là vị trí của 4 giàn khoan khác của Trung Quốc trên biển Đông


Bà Psaki khẳng định, Mỹ sẽ theo dõi chặt chẽ hoạt động của các giàn khoan Trung Quốc trên biển Đông. “Mối lo ngại lớn nhất của chúng tôi là việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào các vùng biển tranh chấp và có những hành vi gây hấn. Do đó nếu cần thiết chúng tôi sẽ đưa ra các tuyên bố mới”, bà Psaki nhấn mạnh. 

Bà Psaki cho biết, Mỹ kêu gọi và ủng hộ các bên sử dụng giải pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp. Bà nhắc lại việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 đến vùng thềm lục địa của Việt Nam là hành vi khiêu khích và gây bất ổn. “Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc kiềm chế, không thực hiện những hành vi khiêu khích”. 

Báo New York Times dẫn lời chuyên gia Holly Morrow thuộc Trung tâm Khoa học và quốc tế Belfer ở Harvard nhận định, Trung Quốc sẽ khoan dầu ở cả vùng biển thuộc nước này và vùng biển các nước láng giềng để đánh lừa dư luận rằng hoạt động thăm dò của họ là bình thường. 

Theo báo Wall Street Journal, dữ liệu của hãng tư vấn IHS cho thấy Trung Quốc có 16 giàn khoan đang hoạt động ở biển Đông, phần lớn đều là giàn khoan nhỏ, bốn là giàn khoan nửa chìm nửa nổi. “Hiện vẫn còn sớm để kết luận liệu Trung Quốc có đang sử dụng các giàn khoan này làm quân cờ nhằm đối phó với Việt Nam hay không” - nhà phân tích Gary Li thuộc IHS cho biết. 

Trung Quốc tăng số tàu quanh khu vực giàn khoan lên 137 chiếc
Ngày 22-6, đại diện Cục Kiểm ngư Việt Nam cho biết, tại khu vực hiện trường giàn khoan Haiyang Shiyou 981 (Hải Dương 981), phía Trung Quốc tiếp tục tăng cường số tàu, với khoảng 133-137 chiếc các loại và thường xuyên có những hành động gây hấn, vây ép các lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam. Trong đó có 42-44 tàu Hải cảnh, 14-15 tàu vận tải, 18-19 tàu kéo, 54 tàu cá và 5 tàu quân sự. 

Tàu Trung Quốc truy đuổi tàu Việt Nam

Các tàu hải cảnh, hải giám, tàu vận tải và tàu kéo của Trung Quốc vẫn thường xuyên có hành động ngăn cản, ép hướng, tăng tốc độ bám sát các tàu Kiểm ngư Việt Nam, cự ly lúc gần nhất cách tàu của ta 30m, sẵn sàng đâm va, phun vòi rồng khi các tàu của ta cơ động vào cách giàn khoan 10-12 hải lý.
Tại khu vực nhóm tàu cá của ta hoạt động khai thác thủy sản thường xuyên có khoảng 54 tàu cá, được sự hỗ trợ của 1 tàu Hải cảnh số hiệu 46102 của Trung Quốc tổ chức thành hàng ngang, ngăn cản, ép các tàu cá của ta ra xa không cho tiến vào gần giàn khoan, nhưng với sự hỗ trợ của các tàu Kiểm ngư các tàu cá của ta vẫn bám sát ngư trường đánh bắt cá, bảo đảm an toàn.

Cũng trong buổi sáng cùng ngày, lực lượng Kiểm ngư đã phát hiện hai máy bay trinh sát của Trung Quốc bay qua khu vực Tây-Tây Nam và Nam-Tây Nam, cách giàn khoan khoảng 12-13 hải lý, ở độ cao 1.000-1.200m.
Malaysia có thể giúp giảm căng thẳng ở Biển Đông
Trên tờ The Star của Malaysia, Giáo sư David Arase - chuyên gia ngành chính trị quốc tế tại Trung tâm Đại học Nam Kinh (Trung Quốc), một cơ sở của Đại học Johns Hopkins (Mỹ) nói rằng, Malaysia có thể đóng vai trò quan trọng trong việc làm giảm căng thẳng ở khu vực trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng gia tăng các hành động quyết đoán ở Biển Đông.
Theo Giáo sư Arase, để giảm thiểu nguy cơ xung đột, các nước thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), mà Malaysia sẽ giữ chức Chủ tịch vào năm tới, nên thúc đẩy thảo luận về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) với Trung Quốc. 

Giàn khoan Haiyang Shiyou 981 (Hải Dương 981) Trung Quốc hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam

Ông nhấn mạnh, Malaysia có thể phát huy vai trò lãnh đạo, kinh nghiệm, chuyên môn và nguồn lực của mình để thúc đẩy hai bên đạt được văn kiện này.
Liên quan đến việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou 981) và đâm chìm một tàu cá của Việt Nam trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam, Giáo sư Arase cho rằng đây là mối quan ngại lớn vì có nguy cơ đẩy mọi việc vượt tầm kiểm soát. Vì vậy, nếu COC được ký kết, các bên sẽ tuân theo các thủ tục thương lượng và hòa giải, đồng thời có nguyên tắc để giải quyết khi xung đột xảy ra. 
Theo Giáo sư Arase, COC không phải là cơ chế chỉ ra "ai đúng ai sai", mà để giúp các nước tránh xung đột. Tuy nhiên, để sớm đạt được thỏa thuận về COC, các nước ASEAN cần phải xích lại gần nhau và tiến hành thương lượng tập thể cũng như đa phương với Trung Quốc.
Giáo sư Arase nhấn mạnh Trung Quốc coi Biển Đông là khu vực chiến lược nên rất muốn kiểm soát an ninh ở vùng biển này. Thời gian gần đây, Trung Quốc không ngừng đẩy mạnh các hành động quyết đoán hòng thúc đẩy các yêu sách chủ quyền ở Biển Đông, cho dù cả giới quan chức và học giả Trung Quốc đều không có đủ lý lẽ chứng minh vùng biển nào thuộc chủ quyền của mình. Vì vậy, các yêu sách của Trung Quốc có thể sẽ còn thay đổi và đây là cơ hội cho các nước ASEAN cùng hợp tác đối phó.